pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 cái khó của người mua nhà ở
Ảnh minh họa
Đột ngột bị dừng vay
Nhiều năm đi làm tại Hà Nội và tích luỹ tiền nhưng chị Nguyễn Phương Thảo (đang thuê trọ ở Triều Khúc, Hà Nội) vẫn chưa đủ tiền mua một căn hộ để thoả mãn nhu cầu "an cư lạc nghiệp" của mình. Đang lên kế hoạch mua một căn chung cư tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị Thảo dự kiến vay thêm ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng. Thế nhưng, sát đến ngày đặt cọc căn hộ, chị được phía ngân hàng cho hay, chị không thể vay khoản tiền lớn như vậy. Nguyên nhân là do ngân hàng đang siết các gói tín dụng cho vay bất động sản. "Nếu trước đây, ngân hàng cho vay khoảng 50% giá trị tài sản thì nay rút xuống còn khoảng 30%. Căn hộ của tôi trị giá 2 tỷ đồng. Như vậy là tôi không thể vay 1 tỷ đồng để mua nhà như dự kiến", chị Thảo chia sẻ.
Còn chị Quốc Khánh (ở Gia Lâm, Hà Nội) cũng trong hoàn cảnh tương tự khi vay tiền mua một căn hộ chung cư tại Hoàng Mai, Hà Nội. Chị đã ký hợp đồng thế chấp chính căn hộ đó nhưng sát đến ngày giải ngân, ngân hàng bất ngờ dừng giải ngân vì có chỉ đạo từ ban lãnh đạo. Kế hoạch giải ngân bị thay đổi bất ngờ, chị Khánh ngậm ngùi vì mua hụt căn nhà như dự kiến.
Mục tiêu hạ nhiệt bong bóng bất động sản
Vừa qua, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra công văn gửi các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng về việc yêu cầu kiểm soát chặt các khoản cấp tín dụng với các lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ngay sau đó, hàng loạt ngân hàng đã có động thái siết cho vay bất động sản, thậm chí là thông báo dừng cho vay bất động sản. Theo báo cáo quý I/2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong khi các ngành kinh doanh, dịch vụ nhìn chung gặp nhiều rủi ro, đặc biệt sau những biến cố bất ngờ về địa chính trị, Covid-19… thì bất động sản Việt Nam vẫn là thị trường thu hút dòng tiền đáng kể. Giá hầu hết các phân khúc bất động sản đều tăng, đặc biệt là đất nền tăng 3 - 5 lần so với thời gian trước. Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) công bố số liệu cho thấy, chỉ số giá nhà ở tại Việt Nam hiện nay cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, trong khi ở các nước công nghiệp phát triển, con số này chỉ cao hơn 6-7 lần.
Thực tế, số lượng giao dịch bất động sản thời gian qua không nhiều, thanh khoản thị trường kém do giá cả không phản ánh đúng giá trị thực. Người có nhu cầu thực sẽ không bỏ tiền ra mua khi giá bị thổi quá cao. Tình trạng "bong bóng" bất động sản trong thời gian qua đã làm méo mó thị trường, gây nhiều hệ luỵ đến cơ quan quản lý cũng như cuộc sống của người dân. Động thái siết tín dụng bất động sản được cho là sẽ làm "hạ nhiệt" những cơn "bong bóng" giá nhà đất vốn đã quá cao trong thời gian qua bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến nhà đầu tư bất động sản, giới đầu cơ nhà đất - nhóm người đang dùng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng.
Cần siết tín dụng bất động sản có chọn lọc
Tuy nhiên, siết cho vay bất động sản cũng làm dấy lên những lo ngại sẽ khiến người dân có nhu cầu vay tiền mua nhà gặp nhiều khó khăn hơn. Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng, việc siết tín dụng trong lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ kiểm soát với hành vi đầu cơ thổi giá, còn với người có nhu cầu thật thì vẫn phải có cơ chế cho vay.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có những cơ chế cho vay ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp đang phát triển dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, khoảng 1-2 tỷ đồng/căn dành cho nhu cầu ở thực; đồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng tín dụng tiêu dùng mua nhà dành cho khách hàng cá nhân mua nhà lần đầu, mua nhà để ở chứ không phải để đầu cơ.