2 lý do khiến trường Harvard và nhiều đại học kinh doanh hàng đầu "ế nặng"

Lam Phương
24/10/2022 - 16:39
2 lý do khiến trường Harvard và nhiều đại học kinh doanh hàng đầu "ế nặng"
Harvard Business School và các chương trình kinh doanh hàng đầu khác gần đây báo cáo số lượng đơn đăng ký vào trường giảm mạnh.

Theo cây bút của The Wall Street Journal, thực trạng giảm số lượng ứng viên đăng ký học chương trình MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) là do thị trường lao động nóng và chi phí đắt đỏ của tấm bằng MBA.

Thị trường lao động bùng nổ

Tại Harvard Business School (Trường Kinh doanh Harvard), nơi được nhiều người coi là trường kinh doanh hàng đầu của Mỹ, các đơn xin học MBA đã giảm hơn 15%. Trường Wharton (trường kinh doanh của Đại học Pennsylvania) ghi nhận mức giảm hơn 13%. Các chương trình đào tạo kinh doanh khác tại Mỹ - bao gồm Yale University’s School of Management, trường kinh doanh tại Đại học Chicago và Đại học New York - số đơn đăng ký giảm từ 10% trở lên cho lớp năm 2024.

Trợ lý trưởng khoa tuyển sinh Laurel Grodman cho biết Yale đã thu hút 3.237 ứng viên đăng ký MBA cho khóa học năm 2024, giảm hơn 16% so với lớp nằm trước đó. Cô cho biết đây là hệ quả của thị trường lao động cạnh tranh và sự quan tâm đến các chương trình thạc sĩ có thời gian học ngắn hơn.

Bất ngờ trường Harvard và nhiều đại học kinh doanh hàng đầu "thất thế" vì hai lý do - Ảnh 1.

Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania nằm trong số các chương trình MBA có số lượng đơn đăng ký học giảm. Ảnh: Reuters.

Số lượng đơn xin học MBA thường đi ngược chu kỳ, nghĩa là khi thị trường làm việc bùng nổ, mọi người thường không suy nghĩ đến việc đổi nghề. Ngược lại trong thời kỳ kinh tế suy thoái, người lao động tìm đến trường kinh doanh để có bến đỗ an toàn. Do đó, bằng cấp giúp họ dễ tiếp cận thị trường hơn.

Các nhà tuyển sinh cho biết họ thuyết phục sinh viên nộp đơn vào trường kinh doanh không phải với mục đích cạnh tranh với chương trình MBA ở trường khác. Thay vào đó, họ muốn chống lại việc mở rộng thị trường việc làm và tăng lương.

Hồi cuối tháng 2, The Wall Street Journal đưa tin nhiều lao động trẻ của Mỹ được tăng lương mạnh mẽ. Điều này khiến họ ít suy nghĩ đến việc nghỉ làm 2 năm để học thạc sĩ - chương trình học có chi phí đắt đỏ. Học phí 2 năm tại các trường kinh doanh danh tiếng có thể lên đến 200.000 USD hoặc hơn thế, sau khi tính cả chi phí sinh hoạt.

Blair Mannix, giám đốc tuyển sinh MBA tại Wharton, cho biết: "Nếu thị trường việc làm đang nóng, bạn không muốn bỏ việc để lấy bằng MBA". Chương trình MBA của Wharton đã thu hút 6.319 ứng viên đăng ký vào mùa thu năm nay, giảm so với con số 7.338 của năm 2021 nhưng vẫn tăng so với 5.909 vào năm 2019.

Các đơn đăng ký đã tăng mạnh vào năm 2020 khi đại dịch xảy ra. Vào thời điểm đó, các trường học đã kéo dài thời hạn và miễn các yêu cầu kiểm tra tiêu chuẩn để thu hút nhiều học sinh hơn. Năm 2021, số lượng đơn đăng ký học giảm dần do lĩnh vực tài chính và công nghệ tăng lương để giữ người. Xu hướng này tiếp tục trong năm nay.

Bất ngờ trường Harvard và nhiều đại học kinh doanh hàng đầu "thất thế" vì hai lý do - Ảnh 2.

Khuôn viên Trường Kinh doanh Harvard. Ảnh: Fenway Health.

Chi phí học tập đắt đỏ

Dẫu vậy, chi phí là vẫn nguyên nhân lớn nhất làm giảm nhu cầu của các ứng viên. Cuộc khảo sát hơn 1.500 người đã đăng ký học MBA nhưng quyết định từ bỏ, 52,6% người được hỏi cho biết chi phí là mối quan tâm lớn. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Clear Admit, chuyên tư vấn cho các sinh viên tương lai về việc nộp đơn vào trường kinh doanh.

Graham Richmond, đồng sáng lập Clear Admit, cho biết: "Có vẻ như không dễ thuyết phục thế hệ ứng viên này như trước đây. Họ cảnh giác hơn về tiền nợ và kỳ hạn".

Các yếu tố khác làm nản lòng các ứng viên MBA tiềm năng trong cuộc khảo sát là vì quá bận rộn để đi học và tác động của đại dịch đối với trải nghiệm ở trường. Một số khác còn cho biết về khả năng thăng tiến ở công việc hiện tại.

Song hầu hết người được khảo sát cho biết họ có kế hoạch đăng ký học trong tương lai. Các doanh nghiệp đang dự báo thời kỳ kinh tế khó khăn hơn sắp tới, các công ty tài chính, công nghệ và bán lẻ đã cắt giảm việc làm.

Bất ngờ trường Harvard và nhiều đại học kinh doanh hàng đầu "thất thế" vì hai lý do - Ảnh 3.

Nhiều ứng viên cân nhắc học MBA vì quan ngại đến chi phí đắt đỏ. Ảnh: Pinterest.

Các trường học cho biết mối quan tâm đến bằng cấp kinh doanh vẫn còn cao từ các ứng viên nước ngoài, chủ yếu là vì sinh viên bản xứ không mấy quan tâm đến vấn đề này. Điều này có thể thấy thông qua số lượng ứng viên đăng ký vào chương trình MBA của trường UNC Kenan-Flagler Business School.

Theo Danielle Richie, giám đốc tuyển sinh MBA toàn thời gian của trường, sinh viên từ Ấn Độ, Nigeria và Kenya tỏ ra đặc biệt quan tâm. Lớp mới đến gồm 242 sinh viên, trong đó có 35% sinh viên quốc tế.

Nguồn: The Wall Street Journal
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm