Dù vẫn còn hạn chế về mặt kỹ thuật nhưng sản phẩm của 2 em được đánh giá cao về tính nhân văn, đem lại lợi ích thiết thực cho người khiếm thị và đã giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Xã hội 2017, hạng mục Sáng tạo trẻ dành cho học sinh phổ thông trên toàn quốc.
Từ lâu, 2 học sinh Tú Uyên và Thu Tuyết đã hiểu được nỗi vất vả của các bạn khiếm thị qua phương tiện thông tin đại chúng, sách vở… Đặc biệt, khi đến thăm Hội người mù của tỉnh, các em lại càng thấu hiểu hơn điều đó. Những người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời thường. Trong đó, vấn đề về di chuyển, dò đường đi của họ luôn là trở ngại lớn nhất. Từ sự cảm nhận thực tế đó, Tú Uyên và Thu Tuyết đã bàn nhau tìm cách chế tạo một thiết bị giúp người khiếm thị đỡ vất vả khi di chuyển.
Đặc biệt, khi biết đên cuộc thi Sáng tạo Xã hội 2017, 2 em lại có động lực nhiều hơn và quyết tâm tạo ra một sản phẩm thiết thực. “Sau khi được thầy cô phổ biến thông tin về các cuộc sáng tạo kỹ thuật thì trong đầu chúng em chỉ nghĩ là muốn làm ra một sản phẩm gì đó giúp ích cho cộng đồng, đặc biệt là người khuyết tật đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống”, Thu Tuyết tâm sự.
Không phải học sinh chuyên Tin học, nền tảng về kỹ thuật, công nghệ cũng chưa có nên khi bắt đầu, 2 em khá lúng túng. Cả 2 đã tìm đến sự trợ giúp của thầy giáo Tin học và hằng ngày đọc tài liệu, tham khảo những đề tài trước đó.
Quyết tâm tạo được sản phẩm giúp ích cho người khiếm thị, 2 em đã khá kỳ công vào TPHCM để học hỏi kinh nghiệm từ cuộc thi Young Maker (triển lãm các sản phẩm về công nghệ). Đồng thời, 2 em thường xuyên đến Hội Người mù khảo sát ý kiến, nghiên cứu và tìm ra hướng đi thiết thực cho sản phẩm. “Trước đó, chúng em đã có những hình dung nhưng khi bắt tay thực hiện mới phát sinh nhiều điều khác với tính toán ban đầu. Chúng em cũng phải thử đến 3 loại bo mạch, 2 loại cảm biến… thì mới chọn ra được loại tối ưu nhất để kết hợp với nhau”, Tú Uyên cho hay.
Sản phẩm của 2 nữ sinh được xây dựng trên cơ sở 1 chiếc kính bảo hộ lao động, 2 bên được lắp cảm biến siêu âm rung và loa để người dùng có thể nhận biết chướng ngại vật. Với hệ thống định vị GPS kết nối smartphone, người thân có thể dễ dàng xác định vị trí của người khiếm thị hay chính người khiếm thị có thể phát tín hiệu thông báo vị trí của mình trong trường hợp gặp bất lợi hay nguy hiểm trong quá trình di chuyển ở bên ngoài.
Mất khoảng 2 tháng để biến ý tưởng thành sản phẩm nhưng mất hơn nửa năm để hoàn thiện sản phẩm đơn giản ban đầu thành sản phẩm ứng dụng cao. “Kế hoạch của chúng em là trong từ khoảng 6 tháng sẽ hoàn thành tất cả về mặt công nghệ, thẩm mỹ, cải tiến về hình dáng và hoạt động. Tiếp theo là thời gian tìm kiếm nguồn khách hàng, lập kế hoạch tài chính, marketing, tìm kiếm nhà đầu tư... để đưa sản phẩm ra thị trường. Với giá thành chỉ khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng, chúng em hướng đến thị trường Đông Nam Á và châu Phi. Đây là 2 khu vực mà người dân, đặc biệt là người khuyết tật còn gặp phải nhiều khó khăn về tài chính”, Thu Tuyết nói thêm.
Tuy nhiên, sản phẩm hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Sản phẩm chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ khó khăn của người khiếm thị trong quá trình di chuyển, về mặt thẩm mỹ chưa tinh gọn, độ bền của sản phẩm cũng chỉ vào khoảng 8 -12 tháng. Trong tương lai, 2 em sẽ tiếp tục tìm hiểu để cải tiến sản phẩm tốt hơn nữa.
Thầy Lương Đình Dũng, giáo viên bộ môn Tin học, đồng thời là người trực tiếp hướng dẫn Tú Uyên và Thu Tuyết thực hiện bộ sản phẩm, cho biết, sản phẩm kính thông minh này vẫn còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật nhưng thành công lớn nhất đó là mang tính nhân văn, thiết thực cho cộng đồng người khiếm thị.
Tại cuộc thi Sáng tạo Xã hội, 2 nữ sinh phải trải qua nhiều vòng thi với các đối thủ mạnh đến từ nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Thế nhưng với bản lĩnh và sự tự tin, Tú Uyên và Thu Tuyết đã thuyết phục cả nhà đầu tư và khách hàng để được xướng tên ở vị trí cao nhất.
Tin vui cho 2 em là sau cuộc thi, một vị giám khảo đã giới thiệu sản phẩm của 2 em đến một doanh nghiệp để có thể đưa sản phẩm ra thị trường. Đây là món quà lớn hết sức bất ngờ dành cho cả 2. Hy vọng trong tương lai, sản phẩm của 2 nữ sinh này sẽ được hỗ trợ cải tiến và ứng dụng rộng rãi trong xã hội, góp phần giúp người khiếm thị thuận tiện trong sinh hoạt hằng ngày.