pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 việc cần làm ngay khi trẻ bị hóc dị vật
Bác sĩ nội khoa Phan Xuân Trung (Trung tâm Y khoa Medic) chia sẻ lại câu chuyện buồn liên quan đến người đồng nghiệp của anh. Trong một lần cho con gái 11 tuổi uống trà sữa, người mẹ không thể ngờ con đã bị hóc trân châu gây tắc đường thở.
Người mẹ là bác sĩ đã tiến hành thủ thuật Heimlich cứu con nhưng không hiệu quả do hạt trân châu vốn dẻo, dính chứ không trơn như các loại hạt khác. Cuối cùng bé đã qua đời sau khi được đưa đến viện.
Câu chuyện trên đã xảy ra cách đây vài năm, nhưng rõ ràng nó vẫn là hồi chuông cảnh báo cho cha mẹ trong việc xử trí đúng cách khi con bị hóc, nghẹn; cũng như phòng ngừa các nguyên nhân gây hóc dị vật ở trẻ.
Bên cạnh trường hợp của bé gái 11 tuổi trên, những trường hợp trẻ nhập viện vì hóc dị vật không hề hiếm. Có thể kể đến trường hợp của bé trai 9 tuổi tên là N.T.H.V từng nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhưng không qua khỏi do hóc hạt nhãn.
Hay câu chuyện bé trai 5 tuổi tại Dĩ An, Bình Dương bị hôn mê sâu do hóc thạch rau câu, do cố lấy tay móc dị vật ra nhưng chính cách làm này đã đẩy dị vật vào sâu hơn. Mặc dù đã được các bác sĩ điều trị tích cực nhưng do bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê sâu do thiếu oxy trong não trước đó nên bệnh nhi đã tử vong.
Khi con hóc dị vật, phụ huynh nên xử trí thế nào?
Các bác sĩ cho hay, thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn. Trong tình trạng trẻ bị ngạt thì chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ ngắn do đó người lớn cần biết sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà.
Bs.Đào Ngọc (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho hay: Điểm mấu chốt của hóc đó là gây ra tắc nghẽn đường thở. Nạn nhân sẽ tím tái, khó thở và rất nhanh chóng tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy nguyên tắc khi cấp cứu hóc đó là phải đẩy được dị vật ra khỏi chỗ bị tắc bằng cách gây ho nhân tạo.
2 bước quan trọng để thực hiện Heimlich xử trí khi con nhỏ hóc dị vật:
- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
- Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
Các bác sĩ cũng lưu ý, hiểm họa của việc hóc ở trẻ em luôn đến từ những đồ vật xung quanh như cúc áo, kẹo mút, hạt nhựa, viên bi, đồng xu, mẩu bánh mì... Do đó cần chú ý để xa những đồ vật này khỏi tầm tay của trẻ.
Ngoài ra hóc cũng có thể xảy ra khi trẻ ăn quá nhanh. Các bậc phụ huynh cần cắt nhỏ thức ăn và hướng cho trẻ cách ăn chậm rãi, không nói hoặc cười khi ăn hoặc không ăn nhiều đồ một lúc.
Khi cho trẻ ăn uống những loại trà sữa hoặc các loại chè có hạt như đậu đen, đậu đỏ, hạt sen... nên dùng muỗng ăn chứ không nên dùng ống hút to. Bố mẹ có thể xúc từng thìa cho con thay vì để bé tự hút để tránh nguy cơ những hạt này bị lọt thẳng vào phổi.