2 vụ ‘bắt vợ’ gần đây là phạm pháp

07/02/2017 - 17:00
"Việc ngang nhiên bắt người giữa thanh thiên bạch nhật không thể biện minh đó là phong tục “kéo vợ” được. Đây là hành vi bắt người, xâm phạm thân thể, xúc phạm người khác”, Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy, chia sẻ.

Như báo PNVN đã đưa tin, trong những ngày đầu năm mới liên tục xuất hiện clip “bắt vợ” ở Quỳ Hợp (Nghệ An) và Sapa (Lào Cai) gây tranh cãi. Có người cho rằng đó là tập tục “bắt vợ” đã tồn tại từ lâu ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đa số cho rằng, hành vi trên là vi phạm pháp luật, tục “kéo vợ” hay “bắt vợ” truyền thống trong các vụ việc này đã bị biến tướng, méo mó.

Về vấn đề này, luật sư Hà Huy Từ, khẳng định: Như những gì được ghi lại trong clip thì những người tham gia “bắt vợ” đã vi phạm pháp luật. Nếu những tình tiết xẩy ra ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An trong video clip là đúng thì rõ ràng hành vi bắt người như vậy là hoàn toàn vi phạm pháp luật.

cuop-vo-4.jpg
Hình ảnh "bắt vợ" phản cảm tại Nghệ An (Ảnh cắt từ clip)

Ở đây có 2 hành vi vi phạm pháp luật là vi phạm luật hình sự và luật giao thông đường bộ. Hành vi 3 người trên 1 chiếc xe máy, không đội mũ bảo hiểm là vi phạm luật giao thông đường bộ. Hành vi bắt người, giữ không cho cô gái xuống xe có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Tùy tính chất, mức độ, tần suất, hành vi của chàng trai này và những người liên quan có thể bị phạm vào Điều 123 BLHS (Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật).

"Theo nội dung trong clip, tôi phải dùng chữ “bắt” mới đúng. Việc ngang nhiên khống chế, bắt người khác lên xe máy giữa thanh thiên bạch nhật không thể ngụy biện cho hành động được coi là văn hóa địa phương hay phong tục, tập quán được. Đây là hành vi ngang nhiên xâm phạm thân thể, xúc phạm người khác, xâm phạm nhân thân con người", luật sư Từ nói.

Quyền bất khả xâm phạm thân thể là một trong những quyền tự do cá nhân của công dân được pháp luật bảo hộ. Không chỉ pháp luật quốc gia mà pháp luật quốc tế cũng có nhiều điều ước quốc tế về bảo hộ quyền này.

"Tôi được biết ở một số địa phương miền núi có phong tục “kéo vợ”, "bắt vợ". Đó là nét văn hóa, là văn hóa thì phải giữ gìn. Còn phản văn hóa, vi phạm pháp luật như hành vi “bắt” người như trong clip ở Nghệ An thì phải bị lên án và xử lý nghiêm", luật sư Từ đưa ra quan điểm.

Cũng theo luật sư Từ: "Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, những gì mang tính chất phong tục, tập quán tốt đẹp thì nên duy trì, còn những gì biến tướng, phản cảm thì phải loại bỏ ngay lập tức. Đừng để du khách các nước đến Việt Nam cảm thấy một số người dân hành xử vi phạm pháp luật một cách rất đỗi “tự nhiên” rồi lấy văn hóa, phong tục làm bình phong".

bat-vo.jpg
Nữ sinh lớp 9 bị bắt về làm vợ tại Sa Pa (ảnh nhà văn Ngọc Hân cung cấp)

Trường hợp "bắt vợ" xảy ra ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai về bản chất cũng tương tự trường hợp trong clip ở Nghệ An. Rõ ràng, hành vi của các thành viên gia đình chàng trai tham gia việc bắt người là vi phạm pháp luật hình sự. 

Cũng theo luật sư Từ: Qua những vụ việc như trên xẩy ra tại tỉnh Nghệ An, Lào Cai có thể thấy công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật là hết sức quan trọng và cực kỳ cần thiết. Đừng để các địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến hành xử vi phạm pháp luật.

Một vấn đề quan trọng không kém là phải nâng cao nhận thức cho người dân biết thế nào là những phong tục, tập quán tốt đẹp, là văn hóa thì nên duy trì, giữ gìn. Còn những gì biến tướng méo mó, ảnh hưởng, xâm phạm đến danh dự, quyền tự do, dân chủ của công dân thì phải kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm trước pháp luật.

“Văn hóa là tốt đẹp, là cội nguồn cuộc sống nhưng những gì biến tướng, phản văn hóa thì phải bị xử lý. Có như vậy mới nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng hình ảnh con người chuẩn mực, cư xử văn minh”, luật sư Từ nói. 

Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Khoản 1, điều 123 Bộ luật hình sự

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm