20 tuổi đã đột quỵ vì lối sống kiểu này

09/03/2017 - 18:03
Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quị đang có xu hướng trẻ hóa. Nhiều bệnh viện từng tiếp nhận bệnh nhân mới 20 tuổi đã bị đột quỵ, thậm chí có trường hợp mới 14 tuổi đã mắc bệnh này.
Cơ thể đang bình thường, anh Lâm Thanh Sơn (20 tuổi, ở Đồng Nai) bỗng dưng bị đau đầu dữ dội kèm theo nôn ói, sau đó rơi vào hôn mê. Bệnh nhân được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM). Tại đây, qua thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán anh Sơn bị đột quị do nhồi máu não.

Trường hợp bị đột quị ở tuổi đôi mươi như anh Sơn hiện không hiếm, thậm chí có bệnh nhân mới 15 tuổi đã bị đột quị. Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, từng cấp cứu cho bệnh nhân T.D.M, 15 tuổi, trú tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) bị đột quị. Sau khi M. hôn mê, gia đình đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện địa phương và chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy được các bác sĩ của bệnh viện cứu sống nhưng M. bị di chứng liệt chi dưới, khó khăn khi vận động.
dau-dau-hypnotherapy.jpg
Đau đầu kèm theo nôn ói có thể là dấu hiệu của đột quỵ
Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bị đột quị là do ảnh hưởng của lối sống hiện đại như chế độ ăn uống nhiều chất béo, lạm dụng rượu bia và thuốc lá… Khoảng 1/3 trường hợp đột quị có thể bị trở lại trong vòng 5 năm.

Đột quị rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân đến cơ sở y muộn nên nhiều trường hợp, dù được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng vẫn bị di chứng nặng, không ít người đã tử vong. Vì thế, với bệnh nhân đột quị, tốt nhất là đưa đến cơ sở chuyên khoa trong vòng 3 giờ sau khi mắc bệnh thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.

Đột quị được xem là 1 trong 3 căn bệnh gây tử vong hàng đầu cùng với tim mạch và ung thư. Điều đáng lo ngại là đột quị ở người trẻ đang có chiều hướng tăng, từ 1,7% lên khoảng 3% trong vòng 10 năm qua. Theo các chuyên gia y tế, sở dĩ xảy ra đột quị là do máu cung cấp cho não bị ngừng đột ngột; mạch máu bị vỡ do huyết áp tăng quá cao...

Những người có tiền sử huyết áp cao, bệnh tim mạch, lớn tuổi, béo phì, tiểu đường; người có thói quen hút nhiều thuốc lá, làm việc căng thẳng, thiếu vận động và vận động không đúng phương pháp... dễ mắc chứng bệnh này.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, cứ 45 giây trên toàn thế giới có 1 người bị đột quị và 3 phút có 1 trường hợp tử vong do bệnh này. Còn tại Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người mắc mới và gần 100.000 người tử vong vì đột quị. Đây là bệnh của hệ thần kinh khá phổ biến hiện nay, với tần suất xuất hiện 1,5 ca/1.000 người/năm. Riêng tại TPHCM có 19.000 người mắc đột quị mỗi năm, trong đó có 1.000 trường hợp tử vong.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm