200 hộ nghèo vỡ 'giấc mơ an cư'

26/12/2015 - 12:14
Hơn 1 tháng qua, cả ấp Doi (TP HCM) náo loạn lên vì hàng trăm căn nhà của dân nghèo được xây lên đã biến thành đống bê tông vụn.
Cứ xây vì không thấy... phạt
Ngồi thẫn thờ trên đống gạch đổ nát, anh Nguyễn Văn Thắng uể oải, như người không hồn. Anh tiếc nuối kể: “Hơn 8 năm qua, vợ chồng tôi tích cóp từng xu bằng nghề buôn bán ve chai để mua thửa đất 80 triệu đồng ở ấp Doi an cư lạc nghiệp. Đầu năm 2013, nghe phong thanh có thông tin Nhà nước sẽ xóa quy hoạch “treo”, với lại người ta xây nhà rần rần nên tôi vay hơn 200 triệu đồng để cất nhà theo. Khi xây, không thấy ai xuống lập biên bản, yêu cầu ngưng cả. Dọn về ở ít tháng thì bủn rủn tay chân khi nhận quyết định cưỡng chế của UBND phường. Số tiền xây nhà tôi phải vay khắp nơi, cả những người chuyên cho vay nặng lãi. Giờ không còn chỗ nào tá túc, vợ chồng tôi đành che miếng bạt để cố sống. Tắm rửa, giặt giũ cũng đành xin nương tựa bà con. Còn đứa con nhỏ đành gửi về quê cho bà nội chăm. Chủ nợ biết chuyện, mấy bữa rày “xiết” quá, nhưng tiền đâu mà trả”.
Cách đó không xa, bà Trần Thị Tám (60 tuổi) suốt ngày ngồi co ro trong góc nhà ôm đầu, bứt tóc vì gần 300 triệu đồng vỡ vụn cùng bê tông. Năm 2003, gia đình bà dành dụm 56 triệu đồng mua mảnh đất 40 m². Năm 2012, bà Tám kêu con trai mua vật tư, thuê thợ xây nhà ở để tuổi già có nơi tá túc ổn định. “Dọn vô ở chưa đầy 1 năm mà phải ra đường. Hơn 300 triệu bỗng chốc tan biến chỉ sau 1 đêm. Phá dỡ nhà xong, 4 người trong nhà tôi phải ôm mùng chiếu sang hiên nhà người khác nằm co ro trong gió lạnh. Biết xây nhà không phép là sai, nhưng giá như những người có trách nhiệm lập biên bản vi phạm, buộc dừng công trình hoặc buộc tháo dỡ ngay từ đầu thì dân ai mà dám xây, đằng này, mấy ổng ém nhẹm”, bà Tám bức xúc.
Những trường hợp như anh Thắng, bà Tám không phải là ít, bởi lẽ hầu hết trong số họ là thành phần lao động nghèo từ các địa phương khác tới. Giờ họ không biết đi đâu, về đâu sau “cú sốc” đó.    

Một người dân đau đớn vì khối tài sản tích cóp cả đời của mình bị phá dỡ

Khoảng cách giữa luật và đời
Tại buổi đối thoại giữa hộ dân ở ấp Doi với UBND phường 15, quận Gò Vấp, nhiều người đã bức xúc chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc xây nhà không phép là do đất quy hoạch “treo” quá lâu, trong khi nhu cầu về nhà ở quá bức bách nên phải “làm liều”. Ý kiến của bà con không phải không có cơ sở, bởi lẽ việc người dân xây nhà không phép là sai, nhưng thử hỏi có vô số lực lượng giám sát, quản lý luôn túc trực trên địa bàn thì làm sao mà không phát hiện. 
Tuy nhiên, ông Lê Minh Liêm, Chủ tịch UBND phường 15, khẳng định việc cưỡng chế, tháo dỡ nhà xây dựng không phép trên địa bàn ấp Doi sẽ vẫn tiếp tục được tiến hành theo chủ trương của UBND quận Gò Vấp vì qua từng giai đoạn, UBND phường đều cử lực lượng xuống địa bàn giám sát, nhắc nhở và thậm chí cưỡng chế các trường hợp hộ dân xây dựng không phép.
Đã có thời gian tình trạng nhà một đêm, nhà không phép được xây tràn lan ở Thủ Đức, huyện Bình Chánh và quận Bình Thạnh nên câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” ở ấp Doi, phường 15, quận Gò Vấp chắc hẳn không phải là chuyện cá biệt. Theo thống kê từ Sở xây dựng hiện TPHCM vẫn còn tồn tại 2.600 trường hợp nhà xây không phép, trái phép. Rõ ràng, việc quản lý địa bàn đã có sự dễ dãi, buông lỏng và không ngoại trừ là có sự dung túng, nhắm mắt làm ngơ của cán bộ để trục lợi. Và khi “con voi” bị phát hiện, chẳng ai dám đứng ra “nhận trách nhiệm” và thiệt thòi luôn nghiêng về phía người dân.

“Tôi khẳng định người dân phải chịu những thiệt hại từ việc tháo dỡ nhà không phép và chi phí tháo dỡ. Những thiệt hại này do hành vi vi phạm xây dựng của dân gây ra, không thể buộc cán bộ bồi thường được. Cán bộ để xảy ra sai phạm phải chịu kỷ luật, người đứng đầu cũng bị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm về mặt quản lý, điều hành”.

Ông Lê Minh Liêm, Chủ tịch UBND phường 15, quận Gò Vấp, TPHCM

Trong việc xây dựng không phép, nếu đổ lỗi hoàn toàn cho người dân là không hợp lý. Cán bộ có làm lơ thì dân mới xây dựng được căn nhà. Vì vậy cán bộ phải bồi thường một phần thiệt hại do nhà dân bị tháo dỡ. Chỉ cần căn cứ vào thời điểm xây nhà, truy ra cán bộ nào phụ trách địa bàn thời điểm này thì phải bồi thường. Bên cạnh đó, các cơ quan thẩm quyền cũng phải nhìn thấy lỗi của mình trong việc quy hoạch “treo”, kéo dài không thực hiện trong khi nhu cầu về nhà ở đang rất bức xúc.

Luật sư Vũ Văn Quyết, Đoàn luật sư TPHCM

 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm