pnvnonline@phunuvietnam.vn
2.000 lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ được đào tạo từ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học của USAID
Qua hơn hai năm thực hiện, Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học đã triển khai các hoạt động như tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giảng viên nhà khoa học; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên đề nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu; và tư vấn phát triển các chương trình đào tạo, hệ thống thông tin quản lý… cho ba Đại học theo bốn hợp phần chính của dự án Đổi mới quản trị đại học, Nâng cao chất lượng dạy và học, Nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo và Tăng cường kết nối đại học-doanh nghiệp. Theo đó, hơn 2.000 lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ, giảng viên từ ba Đại học và 19 trường thành viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu và phát triển các kỹ năng.
Hợp phần Đối mới Quản trị Đại học đã triển khai các hoạt động nổi bật như: xây dựng và triển khai hệ thống quản trị theo kết quả (KPI), hệ thống thông tin quản lý (MIS), xây dựng các Dashboard phục vụ cho việc điều hành. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo chất lượng bên trong của các chương trình đào tạo được nâng cao thông qua việc phát triển các quy trình, công cụ, hướng dẫn nhằm đảm bảo các chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu người học và thị trường lao động, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Song song đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của ba Đại học được nâng cao năng lực lãnh đạo, học tập mô hình quản trị từ trường ĐH Indiana (Hoa Kỳ).
Về Hợp phần Nâng cao chất lượng dạy và học: 620 giảng viên của ba Đại học được phát triển chuyên môn giảng dạy thông qua các khóa đào tạo cho giảng viên như "Giảng dạy vì thành công của sinh viên", "Phát triển chuyên môn trong Giảng dạy kết hợp". Đồng thời, Dự án đã hỗ trợ phát triển năm khóa học trực tuyến, góp phần thúc đẩy tiến trình đào tạo trực tuyến phù hợp mô hình giáo dục đại học số của từng đơn vị. Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ các đại học rà soát, chuẩn bị cho 17 chương trình thực hiện kiểm định chất lượng theo chuẩn ASIIN (Hội đồng kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các lĩnh vực Kỹ thuật, Thông tin và Khoa học tự nhiên) và ACBSP (Hội đồng kiểm định trường học và chương trình giảng dạy về kinh doanh). Những nỗ lực này đã góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của các trường đại học và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Về Hợp phần Nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo: Ba Đại học được hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua hoạt động tiêu biểu như xây dựng và phát triển các Mạng lưới học thuật Việt Nam - Quốc tế (gọi tắt là VIAN); cải thiện hệ thống quản lý và hỗ trợ nghiên cứu; triển khai chương trình trao đổi học giả... Dự án đã hỗ trợ ba Đại học Việt Nam triển khai các hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín quốc tế và nhằm mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà khoa học của ba Đại học với các nhà khoa học quốc tế. Thông qua các hoạt động này, 22 đề xuất nghiên cứu và 43 bản thảo bài báo được xây dựng, tăng cường cơ hội công bố quốc tế và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo. Bên cạnh đó, ba Đại học đã hoàn thiện các quy chế, quy định về Liêm chính khoa học, Hội đồng đạo đức nghiên cứu, hướng đến một nền khoa học trung thực, trách nhiệm và minh bạch.
Về Hợp phần Tăng cường kết nối đại học-doanh nghiệp, Dự án tạo điều kiện để thế hệ trẻ phát triển toàn diện và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. 170 sinh viên được tập huấn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và lãnh đạo, phát triển tiềm năng sáng tạo và làm chủ tương lai.
Sau khi thảo luận, đánh giá hoạt động của dự án trong giai đoạn 2022-2024, đại biểu tham dự sự kiện từ ba Đại học thống nhất Dự án PHER trong giai đoạn vừa qua đã có những đóng góp thiết thực cho các hoạt động quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học tại ba Đại học, hỗ trợ việc thực hiện các chiến lược phát triển của mỗi đại học. Bên cạnh đó, các kết quả của dự án PHER đóng góp cho việc đạt được các chỉ số kết quả của Dự án Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam mà 03 đại học học đang cùng thực hiện.Trong giai đoạn thực hiện tiếp theo, ba Đại học mong rằng các hoạt động của Dự án PHER được triển khai hiệu quả, thành công hơn nữa hướng đến đạt được các mục tiêu chung mà Dự án đã đề ra.
"Với những kết quả đã đạt được, Dự án mong muốn đóng góp hiệu quả vào việc thúc đẩy hoạt động đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam hệ, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam." - GS. TS. Trần Ngọc Anh, Chủ nhiệm Dự án cho biết.
Cũng tại sự kiện, ba đại học đã tích cực trao đổi, thảo luận những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua và thống nhất những kế hoạch thực hiện trong giai đoạn tới.
Dự án được thực hiện bởi Đại học Indiana (Hoa Kỳ), tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), với đối tác là 3 Đại học lớn của Việt Nam nhằm đổi mới về quản trị, giảng dạy và nghiên cứu. Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học là sản phẩm của quá trình tham vấn sâu rộng giữa USAID và 3 đại học lớn nhất Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Indiana và Ngân hàng Thế giới. Dự án hợp tác này giúp thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học đã được đề ra trong Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018.