256 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc: Chúng tôi kiên quyết không thi

13/04/2019 - 15:15
Nộp hồ sơ dự tuyển vào viên chức năm 2019, tuy nhiên 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn khẳng định, họ thà ra khỏi ngành nhưng không tham dự kỳ thi tuyển viên chức lần này. Bởi đây là kỳ thi không công bằng đối với họ.
Hôm nay, 13/4, là hạn cuối để giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức năm 2019. Tuy nhiên, trước thời điểm được coi là “nhạy cảm” này, đại diện 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn khẳng định với PNVN, họ vẫn nộp hồ sơ theo đúng quy định, để không ảnh hưởng tới trường nhưng sẽ kiên quyết không tham dự kì thi.
“Thà ra khỏi ngành nhưng chúng tôi sẽ không thi. Bởi việc bắt chúng tôi thi thay vì xét tuyển là quá bất công. Việc không xét tuyển cho chúng tôi theo Nghị định 29 mà bắt chúng tôi thi theo Nghị định 161 là sai sót của chính quyền. Không thể bắt chúng tôi hứng chịu cái sai sót đó”, đại diện nhóm giáo viên này nhấn mạnh.
Ngày cuối nộp hồ sơ nhưng các thầy cô giáo vẫn gặp nhau với bao nỗi lo lắng bất an khi chưa biết được tương lai sẽ đi về đâu. Cô giáo N. một trong số 256 giáo viên hợp đồng kể, suốt hơn 1 tháng qua, kể từ khi nhận được quyết định thi tuyển viên chức thay vì xét tuyển, cũng là từng ấy thời gian các thầy cô giáo ăn không ngon ngủ không yên. “Hàng đêm, 2-3 giờ sáng các thầy cô vẫn chat với nhau, vẫn nói chuyện với nhau vì không ngủ được. Ai cũng chung tâm trạng lo âu, thất vọng”, cô N. chia sẻ.
soc-son-6.jpg
Hơn 1 tháng qua, 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn không có hôm nào ngủ ngon, họ sống trong tình trạng bất an, tuyệt vọng.

 Thầy H. (giáo viên cấp 1) cho rằng, việc các giáo viên hợp đồng đề nghị xét tuyển viên chức là phù hợp và chính đáng. Bởi các thầy cô đã gắn bó lâu năm, có nhiều thành tích, nhiều cống hiến cho giáo dục huyện nhà. “Chúng tôi đầy đủ điều kiện và thực tế đang hưởng chính sách, quyền lợi như một viên chức bình thường. Chúng tôi đấu tranh không phải là xin đặc cách mà đòi lại cái quyền mà chúng tôi xứng đáng được hưởng”, thầy H. nhấn mạnh.

Các giáo viên cho rằng, sở dĩ họ kiên quyết không thi là bởi kỳ thi này là một sự phủ nhận công sức của họ suốt bao nhiêu năm qua. Có những người sắp về hưu, gắn bó gần 30 năm trong nghề nay lại bắt họ thi tuyển cùng với những người mới ra trường thì vừa không hợp tình cũng không hợp lý.  
“Chính quyền bỏ quên Nghị định 29/2012 (xét đặc cách viên chức – PV) là cái sai của chính quyền mà giờ lại bắt giáo viên phải lãnh hậu quả thì còn đâu tính nhân văn, chúng tôi dạy ai được nữa? Huyện chưa triệt để trong việc giải quyết quyền lợi cho giáo viên hợp đồng. Khi có Nghị định mới là quyết định thực hiện ngay, phủ nhận toàn bộ sự cống hiến của giáo viên”, một giáo viên lên tiếng.
Trong suốt hơn 1 tháng qua, tập thể 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn đã làm đơn gửi đi khắp nơi nhưng đến nay vẫn chưa có một câu trả lời xác đáng từ lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành giáo dục. Điều đó càng khiến họ rơi vào tuyệt vọng, lo lắng.
soc-son-3.jpg
Danh sách giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn có nhiều người gắn bó hơn 20 năm với nghề.

 “Chúng tôi cần một câu trả lời để còn yên tâm công tác. Đây là thời điểm nhạy cảm, nhiều giáo viên đang là trụ cột ôn thi cuối cấp cho học sinh, chứ cứ để như thế này chúng tôi không thể an tâm làm việc được”, một nữ giáo viên giấu tên nói.

Theo tập thể 256 giáo viên, việc thi tuyển viên chức cũng nhằm tìm ra người đủ điều kiện để vào ngành, để đứng lớp dạy dỗ học sinh. Trong khi họ, những người đã gắn bó, cống hiến lâu năm với ngành, được xã hội, được phụ huynh và bao thế hệ học trò ghi nhận thì lại bắt họ phải đi thi vào cái mà họ đã làm rất tốt suốt hàng chục năm qua. Như vậy, việc bắt họ thi đang đi ngược lại với mục đích ban đầu của cuộc thi.
Chia sẻ với PV PNVN, các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bày tỏ mong muốn nhận được một cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các cơ quan hữu quan về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của họ.
Học sinh xin chữ ký làm kỷ niệm vì… sợ cô giáo mất việc
Có thể nói, trong số 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn thì cô Thanh là một người đặc biệt. Là một người gốc Campuchia, cô Thanh đã không về nước mà ở lại huyện Sóc Sơn để gắn bó với giáo dục huyện nhà với đồng lương ít ỏi. Nay đứng trước nguy cơ mất việc, cô Thanh không khỏi xót xa và có phần nuối tiếc khi thanh xuân gắn bó với mảnh đất xa xôi này. Cô kể, khi học sinh biết được các cô đang có nguy cơ mất việc, nhiều học sinh gặp cô để xin chữ ký làm kỷ niệm. Vì các con sợ cô mất việc thì sẽ về lại Campuchia và không còn gặp được cô nữa. Nghe trò nói vậy, mấy cô trò lại ôm nhau khóc nức nở.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm