pnvnonline@phunuvietnam.vn
2,6 triệu người thôi hưởng chính sách Bảo hiểm y tế khi xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội trường. Ảnh quochoi.vn
Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội chiều 28/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Theo Quyết định 861 phê duyệt các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổng số xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 giảm được 406 xã so với giai đoạn 2016-2020 (số xã còn lại 1.551 xã).
Theo Quyết định 612, tổng số thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 giảm được 6.954 thôn (còn 13.222 thôn).
Theo đó, các xã và thôn không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn sẽ không tiếp tục được hưởng các chính sách đã được ban hành ở giai đoạn trước đây. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với chính sách y tế, có 2,6 triệu người thôi hưởng các chính sách bảo hiểm y tế.
Thứ hai, đối với chính sách về cán bộ thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện theo Nghị định 76, có 406 xã và 2.354 thôn không tiếp tục được hưởng chính sách.
Đối với chính sách về giáo dục, có 700.000 học sinh thôi hưởng các chính sách về giáo dục.
Đối với chính sách về tín dụng, có 1.832 xã không còn nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 406 xã, 6.954 thôn không còn là xã đặc biệt, thôn đặc biệt khó khăn, không được thụ hưởng chính sách.
Đối với chính sách quản lý, bảo vệ rừng, có 175.000 hộ tương ứng 600.000 hecta rừng không tiếp tục được hưởng chính sách.
Theo ông Hầu A Lềnh, trước tình hình năm 2021 dịch bệnh COVID-19 còn ảnh hưởng nặng nề, các xã đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn vẫn còn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, Ủy ban Dân tộc đã thống nhất phối hợp với các bộ, ban, ngành và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách nêu trên.
Ủy ban Dân tộc đã có Tờ trình trình Chính phủ ngày 20/10/2021. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã có văn bản ngày 30/10/2021 giao cho các bộ, ngành liên quan để rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách nêu trên theo hướng: Mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian để thực hiện các chính sách đối với các đối tượng ở các địa bàn không còn là đặc biệt khó khăn theo thời gian, phù hợp với từng chính sách.
"Hiện nay, các bộ, ngành vẫn đang thực hiện rà soát để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung", ông Hầu A Lềnh nói.