Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có sinh kế bền vững

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có sinh kế bền vững

Trong hơn 3 năm qua, nhiều phụ nữ ở các thôn, bản vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được tập huấn kỹ thuật canh tác nông nghiệp tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH. Các mô hình sinh kế thân thiện với khí hậu cũng được triển khai đã giúp phụ nữ dễ bị tổn thương cải thiện thu nhập, giảm thiểu được tác động tiêu cực từ BĐKH.

Bước ngoặt từ "Nhóm nông dân ứng phó biến đổi khí hậu"

Năm 2019, dự án "Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với BĐKH Tây Bắc Việt Nam" được triển khai tại 6 thôn, bản thuộc các huyện Tam Đường, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), Yên Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Mai Châu (tỉnh Sơn La) thông qua thực hiện mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với BĐKH. Người dân tham gia dự án đều là người dân tộc thiểu số. Họ được quan sát, tập huấn kỹ thuật và thực hiện các mô hình canh tác có đủ quy mô ứng phó với BĐKH ngay tại thôn bản, được hỗ trợ tiếp cận thị trường để tiêu thụ nông sản...

Sản phẩm nông nghiệp của những phụ nữ tham gia dự án có chất lượng tốt hơn nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, phương pháp sản xuất hữu cơ.

Tại Lai Châu, với sự hỗ trợ từ dự án, người dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, được hỗ trợ phân bón, thuốc sinh học bảo vệ chè, phân vi sinh cải tạo đất, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo phương pháp SRI.

Còn tại Sơn La, dự án tập huấn cho người dân mô hình Nông lâm kết hợp trồng xoài xen cỏ; nuôi bò thịt, bò đực giống; ủ rơm rạ làm thức ăn cho gia súc; ủ phân từ phân thải chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp; chuyển đổi diện tích đồi trọc, diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày không hiệu quả trên đất dốc sang trồng vải thiều. Người dân còn được hỗ trợ mua máy phát cỏ, làm sạch cỏ, xới đất đa năng để cải tạo đất theo hướng bền vững; hỗ trợ nuôi dê tận dụng nguồn thức ăn từ các diện tích đất lúa ngập nước 1 vụ do BĐKH gây nên.

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có sinh kế bền vững - Ảnh 2.

Người dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất sạch

Sinh sống tại các bản làng vùng sâu và vùng cao, nhiều người nông dân gặp khó khăn khi đưa sản phẩm của mình tiếp cận thị trường. Với phương pháp tiếp thị truyền thống, dẫu có trong tay sản phẩm chất lượng tốt, họ chỉ có thể bán hàng ở gần nhà, ít người biết đến, hoặc bị thương lái ép giá nhưng không có lựa chọn khác. Thu nhập mà sản phẩm mang lại cho họ vì vậy cũng rất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định.

Trở thành thành viên của các Nhóm Nông dân ứng phó BĐKH, người nông dân tại Lai Châu và Sơn La không chỉ học các kiến thức để sản xuất nông nghiệp có thể thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực của BĐKH mà họ còn tham gia nhiều hoạt động nâng cao năng lực khác như tập huấn tiếp cận thị trường, tập huấn truyền thông,... Nhờ trau dồi các kỹ năng như thuyết trình, sử dụng internet, mạng xã hội, chụp ảnh, quay phim bằng điện thoại thông minh,… người nông dân đã trở nên tự tin hơn để mang sản phẩm của mình quảng bá tới mọi miền Tổ quốc.

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có sinh kế bền vững - Ảnh 3.

Các chị em chia sẻ kinh nghiệm học được về thực hành nông nghiệp bền vững.

Chị em là những tuyên truyền viên tích cực

Chị Lò Thị Pỏm, dân tộc Thái bản Nà Cà, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vui vẻ chia sẻ. "Các kiến thức đã học giúp mình quảng bá sản phẩm tiện hơn và tốt hơn, nếu không mang ra chợ bán được thì có thể đăng lên facebook để mọi người mua. Trước đây mình chụp ảnh sản phẩm không chọn góc hay gì cả, cứ chụp bừa thôi, nhiều khi ảnh bị mờ hoặc ngược sáng. Giờ mình đã biết cách để khiến tấm ảnh sắc nét hơn, hy vọng sẽ thu hút được nhiều người mua hơn!"

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có sinh kế bền vững - Ảnh 4.

Phụ nữ dân tộc thiểu số được tham gia nhiều hoạt động nâng cao năng lực khác như tập huấn tiếp cận thị trường, tập huấn truyền thông.

Để nông sản chất lượng do người dân tạo ra có thể tiếp cận tới khách hàng tiềm năng, Dự án đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy mối liên kết giữa Nhóm nông dân tại mỗi thôn bản và các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Bằng việc cam kết hợp tác cùng hợp tác xã, người nông dân có thể tìm kiếm thị trường tiêu thụ ngay từ khi cây trồng còn chưa ra sản phẩm. Nhờ những tín hiệu thị trường do hợp tác xã hoặc doanh nghiệp lắng nghe và phản hồi lại, người dân có thể chủ động về số lượng, chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu thị trường mà không phải sản xuất tràn lan hoặc manh mún, nhỏ lẻ, thiếu định hướng như trước.

"Khi chưa vào hợp tác xã, chúng tôi khổ sở lắm, đi bán nhỏ lẻ ít một. Cứ phải chở mỗi ngày một sọt, ra chợ ngồi cả buổi. Mỗi ngày chỉ bán được từng đấy, không đủ công đi hái. Quả xoài nó không được đẹp, không được như ý thì bán không được giá. Từ khi vào hợp tác xã, mình biết quy trình chăm sóc thì nó khác hẳn. Quả đẹp, họ lại bao tiêu sản phẩm cho mình mà giá cả không bấp bênh, được giá hơn"- chị Quàng Thị Giang, bản Nà Khái, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ.

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có sinh kế bền vững - Ảnh 5.

Chị Quàng Thị Giang (đứng ngoài cùng bên trái) rất vui khi được hướng dẫn kỹ thuật trồng xoài cho chất lượng cao, bán được giá.

Trung tâm của mỗi Làng Nông nghiệp ứng phó BĐKH là một nhóm nông dân nòng cốt do chính dân làng bầu ra. Với chị Hà Thị Bông, nhóm Nông dân ứng phó BĐKH bản Nà Khái và các anh chị em khác trong nhóm, việc tham gia Dự án không chỉ đơn thuần để tự cải thiện kỹ thuật canh tác và chăn nuôi để ứng phó tốt hơn với BĐKH. Họ đã áp dụng các kỹ năng được trang bị để trở thành một lớp "tuyên truyền viên" tích cực và bền bỉ để thúc đẩy cộng đồng xung quanh áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững.

Cùng với việc tạo mô hình sinh kế ổn định, bà con còn được tập huấn thay đổi nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường

"Khi họp nhóm thì mình đều yêu cầu các thành viên cũng phải tuyên truyền đến các hộ trong bản. Cũng như qua các đợt sinh hoạt bản, sinh hoạt đoàn thể, hay cả khi ngồi ngoài chợ, nếu người ta hỏi thăm về hoạt động và mô hình của mình thì các thành viên cũng rất nhiệt tình trao đổi" chị Hà Thị Bông cho hay.

Cùng với việc tạo mô hình sinh kế ổn định, các hoạt động của dự án VOF đã từng bước tác động làm thay đổi nhận thức của bà con về bảo vệ môi trường, về thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời phổ biến được phương pháp ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, tránh hiện tượng đốt rơm rạ tại đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. 

Đến cuối năm 2021, các kỹ thuật và phương pháp nông nghiệp thân thiện với khí hậu được đa số nông dân ở các bản vùng dự án áp dụng vào thực tiễn sản xuất, 70% số hộ tham gia tăng thu nhập ít nhất 40% từ việc bán các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

My
Hà My