2,8 triệu người Trung Quốc chết vì ung thư năm 2015

15/02/2016 - 17:28
Trung bình mỗi ngày trong năm 2015, Trung Quốc có hơn 7.500 người ra đi từ căn bệnh nan y này, trong số đó phụ nữ đang trở thành nạn nhân chính.
Bệnh nhân nữ tăng đột biến so với nam
Ung-thu-o-Trung-Quoc.jpg
Fan Huixiang, một bệnh nhân ung thư ở Trung Quốc đang được trang điểm trước lễ cưới.
Ung thư vú chiếm 15% trong tổng số bệnh nhân ung thư ở Trung Quốc. Tỷ lệ mắc ở nữ giới tăng đến 2,2% trong 10 năm qua, trong khi ở nam giới số này chỉ tăng 0,2%. Các nguyên nhân dẫn đến ung thư ở Trung Quốc không có nhiều khác biệt so với các nước khác: thói quen ít vận động, ăn thức ăn nhanh, hút thuốc lá, lạm dụng rượu và môi trường bị ô nhiễm.

Trong ngày Ung thư thế giới 4/2/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư đang ở mức cao, chiếm 1/4 số lượng người tử vong trên toàn thế giới do căn bệnh này. WHO muôn thúc đẩy nước này tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách kêu gọi người dân tập thể dục nhiều hơn, chọn thực phẩm lành mạnh, giảm uống rượu và bỏ thuốc lá.

Tiến sĩ Bernhard Schwartlander, đại diện WHO tại Trung Quốc nhấn mạnh: “Ung thư là căn bệnh có thể phòng tránh được bằng lối sống tích cực. Nếu phát hiện và điều trị sớm thì vẫn có thể cải thiện được tình hình. Do vậy Trung Quốc cần nâng cao nhận thức của người dân về việc phòng tránh bệnh tật, đồng thời cải thiện mạng lưới y tế, cung cấp các dịch vụ tầm soát ung thư vú và ung thư tuyến giáp cổ cho phụ nữ vùng nông thôn nghèo khó”.
Ung-thu-o-Trung-Quoc-2.jpg
Điều trị ung thư vú tại bệnh viện Bắc Kinh
Phục hồi chức năng và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa ung thư Thượng Hải, cứ 100.000 người dân ở đây thì 418 người mắc bệnh ung thư. Năm 2015, có thêm 59.000 ca mắc bệnh mới. Hiện nay, có khoảng 300.000 người sống chung với căn bệnh này ở thành phố Thượng Hải, tăng 25,8% so với năm 2006. 54% trong số này sống trên 5 năm, 16% mắc bệnh nhân ung thư vú. 

Ung thư là vấn đề sức khỏe cá nhân nhưng nó ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị vẫn có thể tiếp tục làm việc cống hiến cho xã hội. Bởi vậy Câu lạc bộ Phục hồi chức năng Thượng Hải được thành lập năm 1989, với mục đích tạo ra nơi bệnh nhân ung thư gặp gỡ tâm sự và trao đổi kinh nghiệm trong điều trị bệnh. Đây là một tổ chức phi chính phủ lớn nhất Trung Quốc với hơn 16.000 thành viên tham gia. 67,5% thành viên đã sống chung với căn bệnh hơn 5 năm, cao hơn tỉ lệ chung của thành phố hơn 20%.
Ung-thu-o-Trung-Quoc-3.jpeg
Bệnh nhân ở Câu lạc bộ Phục hồi chức năng Thượng Hải khiêu vũ trong một chương trình từ thiện
Bà Li Hui 65 tuổi, thành phố Thượng Hải biết mình mắc bệnh ung thư dạ dày từ năm 38 tuổi. Bà đã tham gia Câu lạc bộ phục hồi chức năng bệnh nhân ung thư hơn 10 năm nay. “Tôi nghĩ bệnh nhân ung thư sẽ sống lâu hơn 5 năm nếu được phát hiện sớm. Họ vẫn có thể tiếp tục cống hiến cho xã hội”. Trước khi mắc bệnh, bà rất khoẻ mạnh và không có bất kỳ một triệu chứng nào về dạ dày. Khi biết mình ung thư, bà hoàn toàn bị suy sụp và không thiết làm gì nữa. Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật, bà tình cờ đọc được một bài báo nói về câu lạc bộ và đăng ký làm tình nguyện viên từ đó đến nay. Bà nói: “Trước kia, tôi luôn sống khép kín, nhưng từ khi gia nhập câu lạc bộ, tôi trở nên lạc quan hơn rất nhiều. Câu lạc bộ là nơi những người đồng cảnh ngộ chia sẻ nỗi niềm và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nếu như y học hiện đại có thể kéo dài cuộc sống của bệnh nhân ung thư thì các biện pháp phục hồi chức năng ở đây giúp họ giảm bớt âu lo, tuyệt vọng để nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Ung-thu-o-Trung-Quoc-4.jpeg
Bệnh nhân ung thư ở Câu lạc bộ Phục hồi chức năng Thượng Hải trong một chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh ung thư
Bà Li cũng là tình nguyện viên của Youzhou, một trang web chat dành cho bệnh nhân ung thư. Theo ông Gang Lei, giám đốc điều hành của Youzhou thì ông thành lập dự án này khi thấy những người thân của mình hoang mang trước căn bệnh và luôn muốn tìm kiếm hướng điều trị hiệu quả. Tổ chức của ông đặt ra quy định các tình nguyện viên không được phép nói phương pháp điều trị của người khác đúng hay sai và chỉ được chia sẻ kinh nghiệm chứ không được phép giới thiệu sản phẩm. Dự án của ông cũng cung cấp những thông tin về những chương trình và phương pháp điều trị ung thư mới ở nước ngoài.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm