Chuyên gia giáo dục Catherine Yến Phạm (Ảnh: Minh Nguyen) |
Thứ nhất, học tôn trọng sở thích và lựa chọn của con. Cho con sự tự do nhất định trong việc vui chơi và khám phá xung quanh. Nếu những hành động của con không ảnh hưởng tới người khác, không ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên xung quanh, không ảnh hưởng tới an toàn của con thì hãy để con được vui chơi theo ý mình.
Chị Catherine Yến Phạm ví dụ về thỏa thuận giữa chị và các con. 'Khi tôi đưa các con đi chơi thác, con leo rất nhanh, lại muốn khám phá tận bên trong thác nên tôi luôn đi theo sát con. Nhưng tôi tuyệt đối không chạm vào người con vì để con được tự do. Ngoại trừ tại khu thác nước có biển cảnh báo 'nguy hiểm', bằng không cha mẹ hãy tôn trọng việc khám phá của con'.
Khi con muốn mang về một hòn đá nhặt từ thác nước, con rất thích, chị đồng ý ngay vì việc này góp phần tạo trách nhiệm cho con trong những công việc khác. 'Lần khác con mua được con gấu bông. Khi đi đường con đã vô tình đánh rơi. Tôi nhắc con về trách nhiệm giữ gìn của chính con, con hiểu và không khóc.
Nhiều cha mẹ sẽ thắc mắc: Con mang hòn đá to thế về để làm gì? Chúng ta nên hiểu rằng, đôi khi những thứ mà cha mẹ cho là tầm thường, vô giá trị (như một viên đá, hình dán ngộ nghĩnh...) lại đem đến cho con niềm yêu thích tột cùng… Nhưng cha mẹ là người làm mất niềm yêu thích đó, lại trách con: Chuyện có vậy thôi mà con cũng khóc. Theo chuyên gia Catherine Yến Phạm, đó cũng là một trong những lý do khiến trẻ ngày càng mất niềm tin yêu vào cha mẹ, mà tình yêu đó chỉ là bổn phận nghĩa vụ. Càng lớn, trẻ sẽ càng không muốn chia sẻ với cha mẹ nữa.
Thứ hai, phải hiểu được nhu cầu về tình thương trong con. Xem con cần gì ở cha mẹ? Không phải con cần tiền hay điện thoại, ipad của cha mẹ. Chị lý giải hành động 'quẳng' cho con chiếc điện thoại, ipad,… nghĩa là 'cho con chơi để con đừng làm phiền mình'. Như vậy, việc nuông chiều con không gắn liền với tình thương dành cho con. Yêu chiều nghĩa là khi con muốn tập leo lên cầu thang 80 lần, chúng ta cũng hãy kiên nhẫn để con thực hiện việc yêu thích của con.
Thứ ba, cần có những quy tắc để trẻ sống hài hòa với người xung quanh và hài hòa với tự nhiên. Cha mẹ không được phép chặn đứng sự hài hòa của trẻ. Không được quyền áp đặt nhu cầu của mình lên các con. Những điều này nhiều phụ huynh Việt Nam dễ mắc phải.
Hãy cho con môi trường để con được khám phá một cách tự do, an toàn và lành mạnh - Ảnh: Sunshine Village |
"Nhiều trường hợp trẻ quậy phá là để làm ngược lại ý muốn của cha mẹ. Bởi trẻ không có không gian riêng, không được chơi những trò chơi trẻ em. Vì thế, thay vì dạy dỗ, hãy cho con môi trường để con được khám phá một cách tự do, an toàn và lành mạnh", chuyên gia giáo dục Catherine Yến Phạm phân tích thêm.