pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 câu hỏi giúp dân văn phòng chinh phục mọi cuộc giao tiếp, thậm chí là "khẩu chiến" ở công ty
Giao tiếp là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mỗi dân công sở, từ giao tiếp trao đổi công việc cho đến các câu chuyện phiếm đời thường. Tuy nhiên, làm sao để giao tiếp thành công thì không phải ai cũng biết, chính vì thế mới có hàng loạt các rắc rối chỉ vì lời nói mà ra thường xuyên xuất hiện ở công ty.
Để giao tiếp thành công có rất nhiều cách, các cách này đa phần phụ thuộc vào điểm yếu trong giao tiếp của mỗi người, không ai giống ai. Ấy vậy mà vẫn có một công thức khái quát chung chung giúp chinh phục mọi cuộc giao tiếp xoay quanh 3 câu hỏi bắt buộc mọi người phải tự hỏi chính mình trước khi “khai khẩu”.
Đối tượng giao tiếp là ai?
Đầu tiên, để giao tiếp thành công nói ra lời hay ý đẹp mát tai người đối diện, mỗi dân công sở cần xác định rõ, “đối tượng giao tiếp là ai?”. Nói chuyện với đồng nghiệp khác với khi nói chuyện với sếp hoặc nhân viên cấp dưới. Nếu không phân định rõ ràng, chúng ta dễ dàng rơi vào trạng thái “nghĩ gì nói đó”, “có sao nói vậy” và gây ra loạt hậu quả đáng tiếc.
Ví dụ như cứ cười hô hố khi nói chuyện với sếp, sếp sẽ cho rằng bạn là người không nghiêm túc, không có tí tôn ti nào. Hay khi “tám” chuyện với đồng nghiệp mà cái mặt nghiêm trọng như trong buổi họp, hiển nhiên đồng nghiệp sẽ nghĩ bạn “chảnh”, không muốn tiếp chuyện,...
Đối phương là người như thế nào?
Xác định đối tượng rồi vẫn chưa đủ để cuộc giao tiếp của bạn diễn ra suôn sẻ, bởi xác định nhưng không hiểu, không biết đối phương là người thế nào (nhạy cảm hay vô tư, nghiêm túc hay thoải mái, nóng tính hay là một kẻ hay suy diễn) để cân chỉnh từ ngữ, mức độ lời nói, thái độ truyền đạt sẽ dễ mang đến rắc rối to.
Chẳng hạn như đối phương là một cô đồng nghiệp nhạy cảm, mà bạn cứ xoen xoét khen lấy khen để các câu như “hôm nay trông chị đẹp quá nha”, thì kiểu gì cũng bị hiểu theo hướng “vậy là trước giờ trong mắt nó, mình xấu lắm hả?”. Đấy, từ lời khen chân thành không có ý gì cuối cùng lại biến mình thành một kẻ xấu tính.
Vấn đề giao tiếp là gì?
Rõ ràng, với mọi chủ đề giao tiếp khác nhau, chúng ta sẽ có những cách tiếp cận và truyền tải thông tin riêng cho phù hợp. Vì vậy, việc xác định, hiểu vấn đề của cuộc giao tiếp rất quan trọng.
Họp hành thì cần nghiêm túc; nói chuyện phiếm thì cần thoải mái, chân thành; đồng nghiệp đang bàn đến một câu chuyện buồn thì bớt cười, bớt nói móc; sếp đang hiếm muộn thì nên tránh các chủ đề về con cái; ai hôn nhân tan vỡ đang ở gần thì đừng khoe về gia đình hạnh phúc,... dân công sở nhé!