pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 dấu hiệu cho thấy nên đi ngủ trưa ngay
Một giấc ngủ ngắn buổi trưa có thể giúp bạn lấy lại sức khỏe tổng thể, nâng cao hiệu suất làm việc nhờ sự tỉnh táo... Vậy thì tại sao lại cắt đi những phút giây quý giá buổi trưa này của bản thân?
Trong nhiều nền văn hóa, giấc ngủ ngắn ngủ trưa không chỉ phổ biến mà còn là một phần thường xuyên của cuộc sống hàng ngày. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ, tại quốc gia này có tới 1/3 số người trưởng thành thường xuyên ngủ trưa.
Tiến sĩ Suzanne Bertisch, Phó Bác sĩ và Giám đốc Lâm sàng về Y học Giấc ngủ Hành vi tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ liên kết với Harvard cho biết: "Ngoài việc giảm buồn ngủ, giấc ngủ ngắn buổi trưa đã được chứng minh là cải thiện trí nhớ và nhiều lợi ích sức khỏe khác".
Theo Bệnh viện Mayo Clinic, những tác dụng của giấc ngủ trưa có thể kể đến như là: Thư giãn, giảm mệt mỏi, tăng sự tỉnh táo, cải thiện tâm trạng, cải thiện hiệu suất, bao gồm thời gian phản ứng nhanh hơn và bộ nhớ tốt hơn...
Nhiều người chọn cách không ngủ trưa, thực tế ngủ trưa cũng có ưu và nhược điểm
Thực tế, mặc dù biết là giấc ngủ trưa có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng có những người lại không chọn cách ngủ trưa. Lý do thì có nhiều, từ công việc quá bận rộn đến muốn có thời gian ăn trưa cùng bạn bè. Cũng có một số người chỉ đơn giản là cơ thể họ không cần tới một giấc ngủ trưa bởi nếu ngủ ban ngày thì sẽ mất ngủ vào ban đêm. Hoặc một số người khác lại thấy khó ngủ khi đó không phải là chiếc giường quen thuộc của mình, hay là sau khi ngủ trưa họ lại thấy mất phương hướng, khó tập trung trong công việc hơn...
Tiến sĩ Suzanne Bertisch cho biết, những nghiên cứu về ngủ trưa không phải lúc nào cũng "màu hồng". Đã có một số nghiên cứu dịch tễ học lớn cho thấy cả lợi ích và tác hại khi ngủ trưa.
"Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người lớn ngủ trưa dài trong ngày có thể có nhiều khả năng mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh tim và trầm cảm. Sự thôi thúc ngủ vào ban ngày có thể là một dấu hiệu cho thấy họ không ngủ đủ giấc vào ban đêm, điều này có liên quan đến nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính đó cao hơn. Buồn ngủ ban ngày cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang có được giấc ngủ chất lượng thấp, điều này có thể chỉ ra một rối loạn giấc ngủ.
Trong một số trường hợp, ngủ trưa thiết lập một vòng luẩn quẩn. Bạn ngủ vào ban ngày để bù đắp cho giấc ngủ đã mất vào ban đêm, nhưng sau đó bạn khó ngủ hơn vào ban đêm vì bạn đã ngủ vào ban ngày. Chính vì vậy, hạn chế giấc ngủ ngắn là một chiến lược để cải thiện giấc ngủ ban đêm", tiến sĩ Bertisch nói.
Có nên ngủ trưa không?
Câu trả lời sẽ còn tùy thuộc vào mỗi người. Theo bác sĩ Catherine Darley, giám đốc của Viện Y học Giấc ngủ Tự nhiên ở Seattle (Mỹ), giấc ngủ trưa là một giấc ngủ bổ sung tốt cho sức khỏe, nếu có thể ngủ trưa mỗi ngày thì sẽ là một thói quen tốt. Tuy nhiên, nếu ngủ trưa xong vẫn thấy buồn ngủ, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn ngủ không đủ sâu vào ban đêm thì bạn cần xem xét lại thói quen ngủ của mình.
Hãy điều chỉnh lại thói quen ngủ như là giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm, cắt giảm caffeine và rượu, tạo lịch trình ngủ cố định hằng đêm và xem xét bổ sung magiê để thúc đẩy giấc ngủ. Nếu sau những điều chỉnh đó mà giấc ngủ ban đêm thì bạn hãy cắt giảm thời gian ngủ ban ngày xem sao.
Vậy khi nào thì cần ngủ trưa?
Cũng theo Bệnh viện Mayo Clinic, bạn nên cân nhắc dành thời gian cho một giấc ngủ ngắn nếu có các biểu hiện sau:
- Cảm thấy mệt mỏi mới hoặc buồn ngủ bất ngờ.
- Sắp bị mất ngủ, ví dụ, do một ca làm việc dài.
- Muốn biến giấc ngủ ngắn theo kế hoạch trở thành một phần trong thói quen hàng ngày của bạn.
Làm thế nào để có giấc ngủ trưa tốt nhất?
Theo Mayo Clinic, để tận dụng tối đa giấc ngủ ngắn, hãy làm theo các mẹo sau:
- Có một giấc ngủ ngắn: Cố gắng ngủ trưa chỉ trong 10 đến 20 phút. Bạn ngủ trưa càng lâu, bạn càng có nhiều khả năng cảm thấy lảo đảo sau đó.
- Hãy chợp mắt vào đầu giờ chiều: Ngủ trưa sau 3 giờ chiều có thể cản trở giấc ngủ ban đêm. Các yếu tố cá nhân, chẳng hạn như nhu cầu ngủ, lịch ngủ, tuổi tác và việc sử dụng thuốc của bạn, cũng có thể đóng một vai trò trong việc xác định thời gian tốt nhất trong ngày để ngủ trưa.
Bác sĩ Darley khuyên, để phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể, thời điểm lý tưởng để ngủ trưa là lúc nhịp sinh học đang tạm chậm lại, đó là thời điểm vào đầu giờ chiều khi bạn cảm thấy nhiệt độ cơ thể giảm xuống, thường là từ 1 đến 3 giờ chiều.
- Tạo ra một môi trường yên tĩnh để ngủ: Ngủ trưa trong một không gian tối, yên tĩnh với nhiệt độ phòng thoải mái và ít phiền nhiễu là tốt nhất cho bạn.
Sau khi ngủ trưa, hãy cho bản thân thời gian thức dậy trước khi tiếp tục các hoạt động - đặc biệt là những hoạt động đòi hỏi phản ứng nhanh hoặc tập trung cao độ.