3 hoàng hậu danh tiếng lẫy lừng Hàn Quốc

22/08/2015 - 09:28
Cuộc đời của những hoàng hậu nổi tiếng tài sắc Hàn Quốc đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận với các nhà làm phim.

Hoàng hậu Ki

Bộ phim truyền hình “Hoàng hậu Ki” được khán giả nhiều nước châu Á yêu thích

Hoàng hậu Ki sinh năm 1315 trong một gia đình quý tộc ở triều đại Goryeo của Hàn Quốc. Nàng có anh trai tên là Gi Cheol. Bà được biết đến nhiều nhất là phi tần được sủng ái nhất của vua Nguyên Huệ Tông - vị vua "hoang dâm vô độ", vị hôn quân lớn nhất trong lịch sử nhà Nguyên, Trung Quốc.

Sau khi Hoàng hậu Thanasilli bị lật đổ năm 1340 vì cuộc nổi loạn của Gi Cheol, Nguyên Thuận Đế đã cố gắng đưa Ki quý phi lên làm hoàng hậu thứ 2 của Nguyên quốc. Con trai nàng là Ayurshiridara được sắc phong làm Thái tử vào năm 1353.

Hoàng hậu Ki đã sử dụng thái giám Bak Bulhwa làm tay sai cho mình và bắt đầu chiến dịch buộc Nguyên Thuận Đế nhường ngôi cho con trai mình. Tuy nhiên, Nguyên Thuận Đế biết âm mưu này và ngày càng xa lánh nàng.

Sau nhiều cuộc đua tranh, xung đột nội bộ, Hoàng hậu Ki vẫn cố gắng đưa con trai mình lên làm Hoàng đế nhưng không thành. Sự sụp đổ của nhà Nguyên tại Trung Quốc vào năm 1368 đã khiến Hoàng hậu Ki phải chạy trốn đến Yingchang với Nguyên Thuận Đế. Năm 1370, Nguyên Thuận Đế băng hà, Thái tử Ayurshiridara đăng cơ tại Yingchang (chính là vua Nguyên Chiêu Tông). Hoàng hậu Ki trở thành Ki Thái hậu nhưng sau đó không lâu đã mất tích…

Hoàng hậu Jang Hee Bin

Diễn viên Kim Tae Hee trong vai Hoàng hậu Jang Hee Bin

Tên thật của Jang Hee Bin là Jang Ok Jung (1659-1701). Nàng được tiến cung sau khi gia tộc trâm anh thế phiệt của nàng bị sụp đổ. Là cung nữ, có nhan sắc, thông minh hơn người, Jang Ok Jung đã vượt qua bao sự hãm hại, ác độc chốn thâm cung để giành được lòng tin và tình yêu của nhà vua, trở thành cung phi được sủng ái nhất trong hậu cung.

Nàng trở thành người phụ nữ đầy quyền biến, trực tiếp đương đầu với hoàng hậu. Năm 1688, nàng sinh hoàng tử đầu tiên và cũng từ đây gây ra cuộc tranh giành đẫm máu nơi hậu cung. Nhà vua muốn phong con trai của Hee Bin làm thái tử và sắc phong cho nàng làm quý phi nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều triều thần. Nhà vua nổi giận đã xử tử không ít người. Hoàng hậu In Hyeon cũng nằm trong số những người bị lưu đày. Jang Hee Bin trở thành hoàng hậu một thời gian cho đến năm 1694 thì nhà vua hối hận đón Hoàng hậu In Hyeon quay về.


Bộ phim truyền hình “Tình sử Jang Ok Jung” khắc họa cuộc đời Hoàng hậu Jang Hee Bin

Jang Hee Bin được so sánh với câu chuyện về nữ hoàng Võ Tắc Thiên của Trung Quốc bởi sự ám ảnh về quyền lực với những kế sách tàn bạo, thậm chí chấp nhận trở thành người mẹ tàn nhẫn… để có thể giữ vững ngôi vị độc tôn của mình. Nhiều câu chuyện lan truyền trong dân gian cho rằng, sau khi trở lại hoàng cung được 7 năm, năm 1701, Hoàng hậu In Hyeon qua đời là do bị quý phi Jang Hee Bin ám hại. Sự việc bị phát giác, Hee Bin bị xử tử, kết thúc cuộc đời của một phụ nữ xinh đẹp nhưng quá nhiều tham vọng.

Hoàng hậu Myeongseong


Phim điện ảnh “Thanh kiếm vô danh” với trung tâm là Hoàng hậu Myeongseong

Hoàng hậu Myeongseong (1851-1895) của Vương triều Joseon là một trong những nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử Hàn Quốc bởi có tham vọng chính trị lớn.

Bà tên thật là Min Ja Yeong, vốn sinh trưởng trong gia đình quý tộc Min, đây cũng là lý do khiến sau này nàng còn được gọi là Hoàng hậu Min. Mồ côi năm 8 tuổi nhưng sau này, may mắn về duyên phận đã sớm đến với nàng khi Hoàng đế Gojong tương lai của Triều Tiên lúc đó mới 15 tuổi đã muốn tìm một người vợ. Tiểu thư Min Ja Yeong là người có óc thẩm mỹ, vô cùng xinh đẹp và không có nhiều người thân - điều này tránh cho Hoàng đế tương lai được mối lo lộng quyền từ phía họ hàng nhà vợ.

Nàng trở thành Hoàng hậu năm 16 tuổi sau một đám cưới linh đình. Từ ngày đầu vào cung, Hoàng hậu Min đã tỏ ra là người thông minh, nhanh nhạy và vô cùng quyết đoán. Không như những phụ nữ an phận khác, nàng đặc biệt quan tâm đến chính trị, quan hệ quốc tế, kinh tế… Mặc dù Hoàng gia không khuyến khích nhưng nàng vẫn chuyên tâm nghiên cứu khoa học, triết học và tôn giáo.


Diễn viên Park Soo Ae trong vai Hoàng hậu Myeongseong 

Đến khi sinh hạ một hoàng tử, quyền uy của Hoàng hậu Min càng được nâng cao. Nàng cùng Hoàng đế hiện diện trước bá quan văn võ, cùng lắng nghe và quyết định những việc quan trọng của đất nước. Thậm chí, Hoàng hậu Min còn tỏ ra quan tâm đến tình hình chính trị nhiều hơn Hoàng đế.

Trước tình cảnh kinh tế của đất nước bị đình đốn, suy giảm do thương nhân trong nước không cạnh tranh nổi với thương nhân Nhật Bản, Hoàng hậu Min đã có ý muốn hiện đại hóa vương quốc Triều Tiên vốn đã quá lạc hậu. Năm 1881, sau chuyến thăm Nhật Bản, được sự đồng tình của Hoàng đế Gojong, bà đã tiến hành cải tổ đất nước bằng cách: Âm thầm đấu tranh ngoại giao với các cường quốc Nhật, Trung Quốc, Nga; đưa ra kế sách hiện đại hóa quân sự và nghiên cứu sâu rộng các mô hình kinh tế phương Tây.

Nhà vua cảm phục tài cầm quyền khôn ngoan của vợ nên tình cảm giữa họ ngày càng khăng khít, gắn bó. Một mặt, Hoàng hậu Min tích cực quan hệ với nhà Thanh nhằm giảm bớt ảnh hưởng của người Nhật tại vương quốc Triều Tiên; mặt khác, bà cũng đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với Mỹ nhằm đưa ngành công nghiệp Triều Tiên vượt qua Nhật. Tuy nhiên, ngày 8/10/1895, Hoàng hậu Min bị ám sát ngay khi đang ở trong Cung điện Gyong Bok Kung.

Sau khi Hoàng hậu Min qua đời, tinh thần quật cường của bà trở thành nguồn cảm hứng bất tận, lay động đến nhiều thế hệ ở xứ Kim chi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm