3 không mà cha mẹ cần làm để con vượt trội

Ứng Hà Chi
24/06/2022 - 20:21
Phương pháp giáo dục quyết định đến sự thành công hay thất bại của một đứa trẻ trong tương lai, vì vậy cha mẹ cần có những phương pháp khoa học và phù hợp.

Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ khiến đời sống và tư tưởng của con người càng được nâng cao. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh dành sự quan tâm hơn đến việc giáo dục con cái, mong muốn "ươm mầm" cho con trở thành những tài năng xuất chúng. Họ không ngần ngại đầu tư mọi thứ tốt nhất để con phát triển vượt trội. Tuy nhiên, nhiều người lại bỏ qua một khía cạnh quan trọng là EQ. 

Điều này khiến trẻ có cơ hội đạt thành tích cao nhưng kỹ năng xử lý vấn đề ngoài xã hội lại rất kém. Còn phụ huynh lại một lần nữa phải trăn trở. Nếu muốn nuôi dưỡng một đứa trẻ vừa thông minh, nhanh nhẹn vừa có trí tuệ cảm xúc cao thì phải làm gì?

Thực tế điều này không khó. Theo trang Sohu, cha mẹ cần thực hiện ngay những điều dưới đây. 

1. Không khen ngợi và so sánh "con người ta" trước mặt trẻ

Không ít người từng rơi vào trường hợp này khi còn nhỏ, luôn bị cha mẹ so sánh với "con nhà người ta". Chẳng hạn như: "Nhìn xem bạn kia rất lễ phép, ngoan ngoãn!", "Nhìn xem con người ta học hành giỏi giang", "Con nhà mình không biết bao giờ mới xuất sắc được như kia",…

Khi nói ra những câu như vậy, đa số các bậc phụ huynh không nghĩ ngợi nhiều. Họ chỉ muốn con mình nhìn vào "con nhà người ta" như một tấm gương sáng để học tập. Nhưng trong lòng những đứa trẻ lại cảm thấy vô cùng khó chịu, ấm ức. Trẻ cho rằng cha mẹ chưa nhìn nhận ra những thế mạnh của mình.

Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con thông qua lời nói, cử chỉ. Đừng dành lời khen ngợi những đứa trẻ khác trước mặt con, đặc biệt là ở nơi đông người. Có nhiều cách để động viên trẻ cố gắng vươn lên nhưng chắc chắn đây không phải là cách hay. 

Cha mẹ "bỏ túi" 3 ĐIỀU này có thể giúp con vượt trội hơn bạn bè cùng trang lứa: Điều thứ 3 nhiều người biết nhưng khó thực hiện  - Ảnh 1.

Đừng so sánh con mình với "con nhà người ta" bởi điều này khiến trẻ tổn thương rất nhiều. (Ảnh minh hoạ)

2. Đừng ép con làm những điều con không thích

Khi muốn con làm theo ý mình, nhiều bậc cha mẹ thường lấy kinh nghiệm sống ra bắt ép con. Phụ huynh cho rằng họ đã trải đời, đã trải qua những tình huống tương tự nên có kinh nghiệm và bài học. Nếu có những suy nghĩ như vậy có nghĩa là cha mẹ đang rơi vào tình trạng hiểu lầm và cần nhìn nhận lại vấn đề. Hãy tôn trọng quá trình lớn lên của trẻ. 

Nhiều cha mẹ đôi khi đưa ra quyết định mà trẻ không thích. Việc cha mẹ ép trẻ phải hoàn thành công việc được giao theo ý muốn sẽ khiến trẻ cảm thấy bực bội, không vui vẻ. Trẻ có nguy cơ làm chống đối, dẫn đến hiệu quả công việc không cao. Về lâu dài, việc này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ và mối quan hệ với cha mẹ.

Việc bắt ép con cái không mang lại lợi ích cho trẻ. Thay vì bắt ép, cha mẹ nên nhẹ nhàng khuyên bảo để con hiểu ra vấn đề. Hãy phân tích vấn đề trên nhiều khía cạnh và để trẻ tự đưa ra mọi quyết định.

Cha mẹ "bỏ túi" 3 ĐIỀU này có thể giúp con vượt trội hơn bạn bè cùng trang lứa: Điều thứ 3 nhiều người biết nhưng khó thực hiện  - Ảnh 2.

Cha mẹ hãy để con làm theo sở thich cá nhân trong tầm kiểm soát. (Ảnh minh hoạ)

3. Không phát tán sự riêng tư của trẻ

Mỗi người đều có quyền riêng tư và trẻ cũng vậy. Trẻ thường lưu lại những điều riêng tư qua việc viết nhật ký, nhắn tin với bạn bè,… Đáng buồn thay nhiều bậc phụ huynh thường lén xem nhật ký hay đọc trộm tin nhắn của con với mong muốn hiểu rõ về con hơn. Họ coi đó là chuyện hết sức bình thường.

Tuy nhiên, trong mắt những đứa trẻ đó là hành vi xâm phạm quyền riêng tư, khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, tức giận. Việc làm này còn khiến mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái trở nên không tốt. Trẻ dần dần xa lánh cha mẹ, không còn muốn chia sẻ mọi điều. Và điều này gây hại cho sự phát triển tính cách của trẻ.

Vì vậy, cha mẹ hãy học cách tôn trọng sự riêng tư của con. Hãy cho trẻ có không gian riêng, đừng đọc trộm nhật ký và tin nhắn của con!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm