pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 kiểu bạo hành "nguội" mà trẻ mới vào lớp 1 có thể gặp
Mỗi đứa trẻ đều phải trải qua những thách thức trong cuộc đời. Dù cha mẹ có bảo vệ con đến đâu cũng không tránh khỏi những vấp ngã. Đối mặt với khó khăn là cách tốt nhất giúp trẻ nhanh chóng trưởng thành. Và môi trường xã hội đầu tiên của trẻ là ở trường học.
Dù ở nhà được cha mẹ chiều chuộng tới đâu thì khi đi học, trẻ cũng cần có khả năng tự lập, khả năng giao tiếp xã hội và tư duy nhạy bén. Tuy nhiên, một số cha mẹ không nắm được tình hình ở trường lớp, không hiểu được tâm lý của con. Những đứa trẻ mới vào lớp 1 càng gặp khó khăn nhiều hơn vì chúng phải bắt đầu hoà nhập vào môi trường mới với phương pháp giáo dục mới.
Cha mẹ cần quan sát những hoạt động hàng ngày của trẻ để giải quyết những vấn đề xảy ra. Dưới đây là 3 kiểu bạo hành "nguội" có thể trẻ đang âm thầm chịu đựng, không dám chia sẻ với ai.
NHỮNG KIỂU BẠO HÀNH "NGUỘI" MÀ CHA MẸ CẦN CHÚ Ý
1. Trẻ bị bạn bè cô lập
Nhiều đứa trẻ có tính cách hướng nội, do mới đi học nên chưa hoà đồng được với các bạn. Chúng không chủ động giao tiếp, về lâu dài có thể bị cô lập. Dần dần chúng càng trở nên lầm lì, ít nói, không có bạn.
Khi trẻ bị cô lập, giáo viên và cha mẹ thường khó phát hiện và tìm ra nguyên nhân. Trẻ chậm chạp và không muốn trò chuyện với ai, thậm chí là cả với cha mẹ. Lúc này, cha mẹ hãy quan tâm, hỏi han tình hình học tập, hoạt động vui chơi của trẻ ở trường. Hãy bình tĩnh lắng nghe những điều khó nói để tìm cách gỡ rối.
2. Áp lực vì giáo viên xếp loại theo điểm số
Khi đi học, các giáo viên đều có hình thức khen thưởng đối với học sinh có thành tích học tập tốt, đạt điểm cao. Đây là cách làm đúng, nhằm khuyến khích những đứa trẻ khác tiến bộ hơn. Nhưng một số trẻ lại suy nghĩ tiêu cực. Trẻ cho rằng giáo viên không thích mình và cảm thấy bản thân yếu kém.
Đối với vấn đề này, cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện trước những dấu hiệu như: Không muốn làm bài tập về nhà, không muốn đến trường, trốn tránh việc học,… Cha mẹ hãy động viên con thật nhiều, cùng con khám phá tri thức để con cảm thấy hứng thú với việc học hơn. Khi đạt được kết quả tốt, trẻ sẽ trở nên hào hứng, vui vẻ, không còn bị áp lực tâm lý.
3. Bị giáo viên phớt lờ
Giáo viên nào cũng quý mến những đứa trẻ ngoan, biết nghe lời, học hành giỏi giang. Một số giáo viên còn dành sự ưu ái đặc biệt mà vô tình khiến những đứa trẻ còn lại bị tổn thương. Chúng cảm thấy mình như người thừa trong lớp, không được coi trọng, dần dần mất hứng thú học tập.
Khi phát hiện việc trẻ rơi vào tình trạng bị bạo hành "nguội", cha mẹ cần có những phương pháp xử lý kịp thời, tránh để kéo dài lâu. Bởi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ, khiến trẻ trở nên nhút nhát, rụt rè, khó phát triển bản thân. Dưới đây là một số cách giải quyết cha mẹ có thể tham khảo.
Giao tiếp với trẻ nhiều hơn: Khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ rất kém nên khó thể hiện được ra bên ngoài. Vì vậy trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên chú ý đến tâm trạng của con. Vào mỗi tối trước khi đi ngủ, cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện với con để kịp thời phát hiện những vấn đề khó nói.
Dạy con kết bạn: Khi trẻ đi học đồng nghĩa với việc trẻ bước vào một "xã hội nhỏ". Một số trẻ hướng nội bước vào một môi trường mới thường cảm thấy sợ hãi, khó hoà nhập. Vì vậy, cha mẹ cần trau dồi những kỹ năng xã hội cho trẻ như: Cách làm quen với các bạn, chào hỏi người quen, cách bắt chuyện,… Dần dần trẻ sẽ trở nên tự tin, không còn cảm thấy cô đơn.
Trau dồi tính tự lập và khả năng quản lý cảm xúc: Ngày nay, mỗi gia đình có ít con nên mọi nhu cầu của con thường được cha mẹ đáp ứng. Lâu dần trẻ sẽ hình thành tính cách ích kỷ, thiếu tính tự lập, tự giác. Cha mẹ không nên nuông chiều con quá mức. Hãy rèn luyện cho con tính tự lập và khả năng quản lý cảm xúc ngay từ khi còn nhỏ. Điều này giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống.