pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 loại ung thư có yếu tố gia đình: Nguy cơ tăng lên nếu trong nhà có người mắc
Ung thư không phải là căn bệnh có yếu tố lây nhiễm, xong thực tế vẫn xảy ra trường hợp nhiều người trong một gia đình cùng mắc một loại ung thư.
Hai bố con cùng phát hiện mắc ung thư dạ dày
Sau một thời gian dài đau bụng thượng vị, Ngọc Linh (tên nhân vật đã được thay đổi), 20 tuổi, được bố đưa đến bệnh viện khám.
Sau khi tìm hiểu lịch sử bệnh, khám lâm sàng cũng như chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm và nội soi cần thiết... các bác sĩ chẩn đoán cô gái trẻ này đã mắc bệnh ung thư dạ dày thể thâm nhiễm.
Nhận thấy ung thư dạ dày thể thâm nhiễm là căn bệnh có yếu tố di truyền, bác sĩ tư vấn người bố của bệnh nhân cũng nên thực hiện nội soi dạ dày. Kết quả chẩn đoán người bố đã mắc cùng loại ung thư với con gái.
Sau đó, trường hợp bệnh của hai bố con này đã được chỉ định phẫu thuật ngay, may sao kết quả vẫn tốt.
Theo Cancer.org, ung thư dạ dày là một trong những bệnh có tính chất di truyền. Người thân của bệnh nhân ung thư dạ dày có nguy cơ mắc cao gấp 2-3 lần so với những người khác. Có 5% đến 10% các bệnh nhân bị ung thư là do di truyền, tỉ lệ này không quá lớn nhưng nếu chủ quan không đi tầm soát bệnh sớm thì chúng ta rất dễ bỏ qua "thời điểm vàng" điều trị. Vậy những loại ung thư nào thuộc nhóm "ung thư gia đình"?
Cùng lắng nghe giải đáp của TS. Lê Đức Dũng (Chuyên gia khoa học sức khỏe tại CHLB Đức).
PV: Thưa Tiến sĩ, "ung thư gia đình" có thể xuất hiện vì những nguyên nhân nào?
"Ung thư gia đình" là khái niệm để chỉ những thành viên trong gia đình có cùng huyết thống, mắc cùng một loại ung thư hoặc xuất hiện sự trùng hợp bệnh.
Đúng là một số loại ung thư có yếu tố di truyền. Nếu một thành viên trong gia đình mắc ung thư, thì nguy cơ mắc căn bệnh đó cho các thành viên khác cũng có thể tăng lên.
Điều này có thể do di truyền đột biến gen giữa các thế hệ. Ví dụ như đột biến gen BRCA1 và BRCA2 sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư vú. Nếu bố mẹ có những đột biến này thì con cái cũng có thể bị di truyền, do đó nguy cơ mắc ung thư sẽ cao lên.
Gen đột biến là yếu tố thúc đẩy ung thư do di truyền, tuy nhiên không phải ai mang gen đột biến cũng chắc chắn bị ung thư. Những người này chỉ có nguy cơ ung thư cao hơn so với người bình thường. Lý do là bởi việc xuất hiện bệnh ung thư còn phụ thuộc và rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là môi trường sống và thói quen sinh hoạt.
PV: Loại ung thư nào có yếu tố di truyền phổ biến nhất?
Một số bệnh ung thư có yếu tố di truyền phổ biến nhất có thể kể đến là:
- Ung thư vú: 5% -10% ung thư vú liên quan đến các yếu tố di truyền. Những người có biến thể gen BRCA1 và BRCA2 di truyền từ cha mẹ có 70-80% mắc ung thư vú; 20-50% bị ung thư buồng trứng.
- Ung thư đại trực tràng có liên quan đến đột biến gen APC (Adenomatous Polyposis Coli) hay MUTYH (MutY Homolog), những gen này có thể được di truyền qua các thế hệ.
- Ung thư tuyến giáp: Loại ung thư này có thể liên quan đến đột biến gen RET (Rearranged During Transfection), đột biến gen này cũng có khả năng di truyền, tuy nhiên đột biến cũng có khả năng xảy ra trong quá trình sinh sống.
PV: Chúng ta có thể phòng tránh tình trạng "ung thư gia đình" không?
Có 2 yếu tố chính làm phát triển bệnh "ung thư gia đình" đó là do di truyền và do môi trường.
Những vấn đề liên quan đến di truyền rất khó để thay đổi, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thay đổi các yếu tố môi trường đề giảm nguy cơ bị ung thư.
Điều đầu tiên, bạn có thể thực hiện các xét nghiệm về gen để kiểm tra liệu bạn có chứa các gen liên quan đến tiền sử các bệnh ung thư trong gia đình hay không. Để từ đó, bạn sẽ được tư vấn các biện pháp phòng ngừa làm giảm nguy cơ gây bệnh.
Một ví dụ khá nổi tiếng về phòng ngừa chủ động đó là diễn viên Angelina Jolie. Mẹ của Angela Jolie bị mất vào năm 56 tuổi do ung thư vú, cô đi xét nghiệm và phát hiện có đột biến gen BRCA1, các bác sĩ đã chẩn đoán cô có nguy cơ 87% mắc ung thư vú, 50% nguy cơ mắc ung thư buồng trứng, do vậy cô đã chủ động cắt bỏ 2 tuyến vú của mình vào năm 37 tuổi.
Thứ hai là bạn nên đi thăm khám kiểm tra định kỳ. Khi bạn chứa một gen nguy cơ nào đấy, rất khó để thay đổi bộ gen của chúng ta, tuy nhiên chúng ta có thể chủ động có môi trường sống lành mạnh để hạn chế nguy cơ phát triển bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường thăm khám định kỳ để có thể phát hiện sớm nhất trong trường hợp bệnh xuất hiện.
Thứ ba là tiêm phòng các loại vaccine phòng ngừa ung thư như vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung và vaccine phòng ngừa viêm gan B...
Thứ tư là tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư như hóa chất độc hại, khói thuốc lá, chất gây ung thư trong môi trường làm việc và các chất gây ung thư khác.
Và cuối cùng, bạn hãy duy trì một lối sống lành mạnh: Điều này bao gồm có một chế độ ăn uống tốt. Ngoài ra, hãy tập thể dục đều đặn và tránh thói quen hút thuốc lá và uống rượu quá mức.