pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 lời khuyên đắt giá để một đứa trẻ luôn coi "gia đình là nhất"
Khi một đứa trẻ có nền tảng gia đình tốt, chúng sẽ có một tuổi thơ hạnh phúc, luôn vui vẻ, lạc quan yêu đời. Tất cả những điều này sẽ góp phần khiến chúng thêm yêu cuộc sống và tạo ra nhiều giá trị có ích cho xã hội. Dưới đây là 3 lời khuyên đắt giá dành cho cha mẹ.
3 lời khuyên để trẻ luôn coi trọng yếu tố gia đình
1. Cha mẹ có mối quan hệ tốt
Những cuộc cãi vã, căng thẳng giữa cha mẹ sẽ khiến con cái bất an, sợ hãi cùng với cảm xúc tiêu cực như lo lắng, trầm cảm. Khi cha mẹ cãi nhau, con cái không chỉ bất lực đứng ngoài cuộc mà còn có thể trở thành mục tiêu công kích lẫn nhau của cha mẹ.
Những đứa trẻ như vậy sẽ không cảm thấy gần gũi với cha mẹ. Trong tiềm thức của chúng, gia đình thật ngột ngạt, không phải là nơi để về.
Ngược lại, khi cha mẹ có mối quan hệ tốt, luôn yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu nhau, con cái sẽ luôn thấy yêu gia đình mình. Chúng sẽ học hỏi, bắt chước những hành vi của cha mẹ, từ đó có niềm tin vào hôn nhân hơn.
Hơn nữa, trong một gia đình hòa thuận cha mẹ sẽ dành cho con cái sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ, cải thiện sự gắn kết giữa các thành viên thông qua những cuộc nói chuyện chân thành. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình như vậy thường có mối quan hệ rất tốt với cha mẹ.
2. Cha mẹ lắng nghe, tôn trọng ý kiến con cái
Nếu cha mẹ phớt lờ hoặc không quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của con cái, trẻ có thể cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Khi trẻ cần sự giúp đỡ, thấu hiểu, động viên mà không nhận được phản hồi của cha mẹ, điều đó có thể khiến trẻ cảm thấy bất lực và thất vọng.
Khi cha mẹ kiểm soát con cái quá mức, không cho chúng quyền lựa chọn, quyền tự quyết, trẻ cảm thấy bị gò bó và chán nản. Nếu nguyện vọng của trẻ không được tôn trọng và công nhận, chúng sẽ cảm thấy thất vọng rất nhiều về cha mẹ. Điều này sẽ dẫn đến khoảng cách giữa đứa trẻ và chúng ta ngày càng xa cách.
Việc cha mẹ lắng nghe con cái là cách để thể hiện sự quan tâm của mình tới con. Khi nói chuyện với trẻ, cha mẹ nên chăm chú lắng nghe, tập trung sự chú ý vào từng biểu hiện của trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy được nhìn nhận và tôn trọng.
Khi cha mẹ lắng nghe những suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của con mình, họ sẽ hiểu và cảm nhận được những nhu cầu bên trong của trẻ. Đây là nền tảng xây dựng lòng tin của con cái với cha mẹ.
Cha mẹ tôn trọng con cái sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn. Khi trẻ cảm nhận được sự tôn trọng của cha mẹ, chúng sẽ sẵn sàng nói ra những cảm xúc và suy nghĩ bên trong của mình hơn. Điều này cũng khiến trẻ có cảm giác thân thiết và yêu thương gia đình mình.
3. Cha mẹ thường xuyên khẳng định, khuyến khích con cái
Nếu cha mẹ thường xuyên phủ nhận và ngược đãi con cái, lâu dần trẻ sẽ cảm thấy thua kém, chán nản, thậm chí nghi ngờ giá trị của bản thân. Lòng tự trọng rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của một đứa trẻ. Một khi cha mẹ không coi trọng con mình, trẻ luôn bị bất an và tìm mọi cách để tự bảo vệ mình.
Để ngăn cha mẹ trách mắng mình, trẻ sẽ giả vờ ngoan ngoãn và nghe lời, đồng thời kìm nén những suy nghĩ, nhu cầu thực sự bên trong của mình. Trẻ học cách ngụy trang ngay từ khi còn nhỏ. Một đứa trẻ như vậy khó thể hiện con người thật của mình khi lớn lên, cũng như không thể duy trì sự thân thiết với cha mẹ mình.
Việc thường xuyên từ chối trẻ sẽ khiến trẻ thiếu cảm giác thân thuộc. Những đứa trẻ thiếu cảm giác thân thuộc sẽ khó hòa nhập với cộng đồng, chúng sẽ rất sợ thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với những người khác.
Vì thế, cha mẹ nên dành cho con mình sự kiên nhẫn, thường xuyên khẳng định giá trị và khuyến khích để nâng cao lòng tự trộng, sự tự tin của trẻ.
Việc thường xuyên khẳng định, khích lệ trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy mình có giá trị, từ đó nâng cao lòng tự trọng, sự tự tin, sẵn sàng giao tiếp, trao đổi tâm tư với cha mẹ nhiều hơn.
Khi trẻ biết những nỗ lực và thành tích của mình đã được cha mẹ ghi nhận và khẳng định, chúng sẽ cảm thấy thoải mái, không còn lo lắng về việc kết quả của mình có đạt như kỳ vọng hay không.
Cha mẹ thường xuyên đối xử với trẻ bằng thái độ tích cực, trẻ sẽ cảm nhận được sự ấm cúng và không khí vui vẻ của gia đình. Bầu không khí tích cực này có thể thúc đẩy sự quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, từ đó tăng cường sự gắn kết trong gia đình.