3 năm sống trong ác mộng

02/08/2015 - 22:58
Chị Hoàng Minh Loan (Q.4, TPHCM) chạy chữa khắp nơi và áp dụng tất cả các liệu pháp “nhanh hết mụn”. Song, bệnh không được cải thiện mà còn lan rộng, khiến phần lớn da mặt của chị bị tổn thương nghiêm trọng. 

Bác sĩ Phạm Thị Tiếng thăm khám cho bệnh nhân

Vái tứ phương

Xếp hàng lấy số thứ tự tại khoa Chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM từ 8 giờ sáng nhưng đến gần 11 giờ trưa, chị Loan mới tới lượt vào khám.

Dù không phải là người sở hữu làn da đẹp nhưng đối với chị Loan, mụn trứng cá là điều chị chưa bao giờ nghĩ tới, bởi “khi học lớp 11-12, đám bạn học chung ai cũng nổi mụn vì đến tuổi dậy thì, da mình vẫn láng. Ăn mỳ gói, đồ nóng, ngọt, thức khuya… nhưng chẳng bao giờ bị nổi một cục mụn”. Bước vào năm 2 đại học, ở trán và cằm Loan bắt đầu nổi mụn bọc, nhiều lúc còn bị sưng đỏ và có mủ bên trong. Cứ nghĩ đó là hệ quả của việc thức khuya ôn thi cuối kỳ nhưng mụn trứng cá ngày càng lan rộng sang 2 bên gò má với mức độ ngày càng nhiều khiến chị luôn cảm thấy khó chịu và thiếu tự tin.

Nghi ngờ do sắc tố da thay đổi hoặc có điều gì đó không tốt về nội tiết tố, Loan tìm đến phòng khám da liễu để được kiểm tra và tư vấn điều trị. “Bác sĩ tư vấn cho mình nên kiểm tra bằng máy để biết chính xác mức độ tổn thương của da, kê thuốc uống và thuốc thoa rồi hẹn 1 tuần sau tái khám. Cứ như vậy, mình tái khám tới lần thứ 5 nhưng tình trạng vẫn không có gì thay đổi. Mụn trứng cá lan rộng ở từng vùng, nhiều nhất là 2 gò má và cằm, làm cho khu vực da quanh đó cũng bị đỏ ửng và sưng tấy”, Loan kể.

Quá lo lắng với tình trạng mụn trứng cá ngày càng nghiêm trọng, chị tìm đến phòng khám da liễu khác với hy vọng gặp được bác sĩ mát tay. Thời gian trôi đi, hễ ai giới thiệu ở đâu có bác sĩ giỏi là Loan lại đến, nhiều tới mức chị không còn nhớ chính xác đã gõ cửa bao nhiêu phòng khám và thoa lên mặt bao nhiêu loại thuốc, nhưng vẫn không có kết quả.

Sau đó, Loan dừng hẳn việc điều trị bằng thuốc Tây, chuyển qua sử dụng thuốc Nam và áp dụng một số biện pháp chăm sóc da truyền thống bằng các loại lá cây. Chị tâm sự: “Mình quá mệt mỏi với việc phải tới lui các phòng khám và thoa thuốc mỗi ngày trong suốt 2 năm trời. Được người quen giới thiệu, mình đến gặp một thầy chuyên bốc thuốc Nam. Thầy cũng kiểm tra da, bốc thuốc cho về uống. Được khoảng hơn 1 tháng thì có cảm giác những mụn bọc xẹp xuống, nhưng dừng uống thì mụn mọc lại. Khi đó mình thực sự bị stress bởi những nốt mụn xẹp ở 2 bên gò má đã bị thâm và rỗ. Mình đành ngưng uống thuốc Nam và quay lại với thuốc Tây”.

Bách khoa trị mụn

Sau khi áp dụng hầu như tất cả các biện pháp trong gần 3 năm nhưng vẫn chưa thể lấy lại làn da mịn màng vốn có, chị Loan đành chấp nhận “sống chung với mụn trứng cá” và xuất hiện tâm lý “muốn sao cũng được”. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng từ khi quay trở lại điều trị bằng thuốc Tây và thực hiện những lời khuyên của bác sĩ, Loan bỗng nhận ra phương pháp điều trị mà chị áp dụng đang mang lại hiệu quả tích cực.

Loan lấy trong giỏ xách ra cho chúng tôi xem cuốn sổ tay nhỏ xíu mà theo chị là “bách khoa trị mụn” được ghi chú và đánh dấu từng trang cẩn thận về giờ uống thuốc, cách thoa kem, rửa mặt, đặc biệt là một danh sách dài những đồ ăn nên tránh và những loại rau, hoa quả giúp cải thiện làn da. “Mình nhận ra việc điều trị trước đây không mang lại hiệu quả mà còn làm tổn thương da là do tâm lý nóng ruột, muốn mụn nhanh hết nên sử dụng tùm lum thuốc. Hễ nghe ai nói thuốc nào hay là mình đều mua về dùng thử. Rồi cả nặn mụn, hút mụn… nhưng cuối cùng, nguyên nhân lại là do mình điều trị không đúng phương pháp”, chị Loan chia sẻ.

Chị cũng từ bỏ một vài thói quen mà theo bác sĩ là không tốt cho da và có thể là nguyên nhân làm mụn trứng cá xuất hiện ngày càng nhiều. “Trước kia, mình hay đi ngủ trễ do tính chất công việc, bây giờ mình cố gắng sắp xếp xong mọi thứ để ngủ trước 11 giờ. Mình luôn giữ cho da mặt sạch, từ bỏ món ăn “khoái khẩu” mỳ gói. Ăn ít chất béo, đồ ngọt và đặc biệt là uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Ngoài ra, nhờ sự tư vấn của bác sĩ, mình cũng sử dụng các loại mặt nạ làm từ khoai tây, mật ong hoặc nước cốt chanh… Mọi thứ đang tiến triển rất thuận lợi”, chị Loan không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ “thành quả” có được.


ThS, bác sĩ Phạm Thị Tiếng (Phòng khám da và chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)                                                                                                                                                       

 

 

Mụn trứng cá là một bệnh lý thường gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên. Nguyên nhân thường là do da nhờn, không được giữ gìn sạch sẽ, lạm dụng mỹ phẩm, nhạy cảm với tia tử ngoại và độ ẩm môi trường, các bệnh nội tiết, ký sinh trùng, dùng thuốc có corticoid, thuốc chống lao… Mụn trứng cá được chia thành 2 loại: dạng không viêm (gồm mụn trứng cá đầu trắng, đầu đen, không đau) và dạng viêm (gồm mụn đầu đỏ, mụn mủ, nang, đinh râu, chốc lở… gây đau, sưng, có mủ, khi bị vỡ có thể lan ra nhiều vị trí khác).

Điều trị mụn trứng cá là một quá trình liên tục với mục đích ngăn chặn những đợt mụn mới. Những vết tích do mụn trứng cá gây ra cần được chữa lành và cải thiện theo thời gian. Khi bị mụn trứng cá, người bệnh phải kiên trì điều trị, tùy thuộc vào mức độ bệnh lý và tình trạng nhạy cảm da của từng bệnh nhân qua thăm khám trực tiếp mà bác sĩ chuyên khoa chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp, thậm chí có thể phải phối hợp nhiều phương pháp điều trị với một bệnh nhân.

Để hạn chế và ngăn ngừa mụn trứng cá, các bạn trẻ tránh lạm dụng mỹ phẩm; không thức khuya; uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây có chứa vitamin C, đặc biệt là hạn chế những loại đồ ăn có chất béo, ngọt và các loại gia vị cay, nóng như: ớt, hạt tiêu; tránh stress và giữ vệ sinh da sạch sẽ. Ngoài ra, nếu đã bị mụn, bệnh nhân không nên tự ý đi hút, nặn mụn hoặc sử dụng các loại kem thoa không rõ nguồn gốc mà cần đến các phòng khám da liễu để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị. 

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm