Thoát vị đĩa đệm là bệnh dễ gây ra những cơn đau buốt sống lưng một cách đột ngột, thậm chí có thể khiến người bệnh bị tàn phế suốt đời.
Tình trạng của thoát vị đĩa đệm
Cột sống bao gồm 3 nan đốt sống gồm: Cột sống cổ, cột sống ngực, thắt lưng và xương cụt. Giữa cột sống đó là đĩa đệm. Địa đệm là bộ phận giảm xóc lực tác động lên thân đốt sống, dàn đều thân đốt sống và bảo vệ thân đốt sống. Ngoài ra, đĩa đệm còn có tác dụng như một khớp nối, giúp chúng ta có thể vận động được linh hoạt làm các động tác cúi, ngửa, nghiêng, xoay.
Tuy nhiên, tình trạng thoát vị đĩa đệm là tình trạng vòng xơ của đĩa đệm bị rách, khiến nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra khỏi những lỗ đó, chèn ép ra phía sau của thân đốt sống vào các tủy sống, ống tủy, lỗ liên hợp, gây chèn ép các cấu trúc thần kinh gây nên những cơn đau nhiều.
Biểu hiện của bệnh thoát vị đĩa đệm
Theo PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc - khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thường sẽ bị tổn thương ở cột sống cổ, thắt lưng vì đó là những vùng linh hoạt, chịu tải trọng nên dễ bị tổn thương nhất. Dấu hiệu đầu tiên là những cơn đau tại chỗ như bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thì gây nên những cơn đau ở vùng đốt sống cổ, sau đó chèn ép lên các rễ thần kinh. Từ đó, bệnh nhân đau ở cột sống cổ lan xuống cánh tay, gây nên hội chứng vai tay, kèm theo các rối loạn cảm giác nóng, lạnh, tê bì, bỏng rát, vô cùng khó chịu.
3 nguyên nhân khiến đĩa đệm chệch ra khỏi vị trí
- Thứ nhất: Phải nói đến yếu tố di truyền gây ra bệnh lý này. Nếu bố mẹ bị cột sống yếu, thoát vị đĩa đệm, loãng xương thì người con cũng bị ảnh hưởng từ bố mẹ điều này.
- Thứ hai, theo tuổi tác thời gian, đĩa đệm bị mất nước, vỏ xơ bị rách ra. Chính vì vậy, bệnh thoát vị đĩa đệm thường hay xảy ra ở những người từ khoảng 30 – 60 tuổi.
- Thứ ba là những người gầy, có chế độ ăn uống ít, không đủ chất làm cho đĩa đệm không được nuôi dưỡng đầy đủ và cũng dễ bị tổn thương. Hoặc ngược lại, những người ăn uống quá nhiều chất, béo phì thì tăng tải trọng lên cột sống và làm đĩa đệm cũng dễ bị tổn thương.
Hay như những tư thế sinh hoạt hằng ngày hiện nay cũng là điều rất quan trọng như học sinh có đến 60 – 80% bị gù lưng, vẹo cột sống. Ngoài ra, nguyên nhân do các chấn thương vì ngã, tai nạn do lao động, tai nạn giao thông, có thể gây nên các chấn thương ở đĩa đệm và làm cho rách vỏ đĩa đệm và thoát vỏ đĩa đệm ra.
Cách phòng tránh
- Sống lành mạnh: Luôn duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục rèn luyện đề có một cơ thể khỏe mạnh và cột sống vững chắc.
- Cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế mọi nguy cơ bị chấn thương khi lao động, tham gia giao thông, các vận động, động tác thể thao quá mức và kéo dài…
- Vận động đúng cách: Giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hằng ngày. Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế để phòng tránh tật gù vẹo cột sống có thể gây thoát vị đĩa đệm sau này. Khi vác vật nặng, không để vặn cột sống mà nên gập gối, thẳng lưng, bê vật gần người nhất.
- Nếu phải đứng lâu, nên dùng ghế tựa thấp để chân, thay đổi chân từng bên cứ 5-10 phút đặt lên ghế/lần. Với những người ngồi văn phòng làm việc nhiều nên dùng ghế xoay để hạn chế xoắn vặn cột sống. Tránh đi giày, guốc quá cao đối với phụ nữ.
Phương pháp điều trị
Thời gian điều trị thông thường từ 6 tháng – 1 năm liên tục và phải kết hợp với nhiều biện pháp điều trị khác nhau.
Điều trị không dùng thuốc: Chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập, lao động nhẹ, không được mang vác nặng quá 3kg.
Điều trị dùng thuốc: Theo chỉ dẫn của bác sĩ khoa chuyên xương khớp. Ngoài ra, có thể sử dụng vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng.
Với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thì trong 100 trường hợp chỉ khoảng 3 trường hợp phải mổ. Đa phần bệnh nhân chỉ cần điều trị nội khoa. Với những trường hợp đau thần kinh tọa chữa trị từ 3 – 6 tháng không thuyên giảm thì phải chuyển sang ngoại khoa. Hoặc với những bệnh nhân có biến chứng nặng, rối loạn đại tiểu tiện, liệt thì sẽ có chỉ định phẫu thuật.