pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 thói quen mùa lạnh khiến xương khớp sớm lão hóa, bệnh tật liên tục "bủa vây"
Các bệnh xương khớp mùa lạnh phổ biến có thể kể đến như viêm đau các khớp cơ thể như khớp đầu gối, khớp ngón tay, khớp cổ tay, đau lưng, viêm khớp dạng thấp, gout,... Đau nhức xương khớp mùa lạnh đặc trưng bởi các cơn đau âm ỉ hoặc đau buốt từ trong xương kèm theo cảm giác cứng khớp, khó khăn trong vận động và di chuyển, đôi khi các khớp tấy đỏ, phù nề khó chịu. Tùy từng loại bệnh xương khớp mà các biểu hiện bệnh có các mức độ khác nhau.
1. Tại sao đau nhức xương khớp mùa lạnh dễ xảy ra?
Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh xương khớp mùa lạnh bùng phát, chẳng hạn:
- Khí lạnh xâm nhập, ảnh hưởng tới tuần hoàn máu: Theo Y học cổ truyền, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp, khiến hàn khí (phong, thấp) dễ xâm nhập vào cơ thể qua da, ảnh hưởng tới co giãn của mạch máu và quá trình lưu thông máu tới các cơ khớp của cơ thể (kinh lạc bất thông).
Đặc biệt là với những người đang có sẵn các bệnh lý xương khớp mãn tính tiếp xúc đột ngột và thường xuyên với không khí lạnh. Lúc này, tuần hoàn máu kém hơn nếu hàn khí tích tụ nhiều trong cơ thể, dẫn tới đau nhức cơ xương khớp mùa lạnh tăng lên.
- Nhiệt độ giảm ảnh hưởng tới độ nhớt của dịch khớp, giảm khả năng bôi trơn khớp (yếu tố giúp cơ khớp vận động trơn tru), màng hoạt dịch và sụn khớp cũng dễ bị tổn thương hơn, từ đó khớp kém linh hoạt hơn cũng dễ bị đau nhức hơn.
Thêm vào đó, cơ bắp của chúng ta cũng có xu hướng co lại khi tiếp xúc với không khí lạnh dẫn tới áp lực lên khớp gia tăng.
2. 3 thói quen có hại cần tránh vì có thể gây bùng phát bệnh xương khớp mùa lạnh
Theo EatThis, NotThat, có một số thói quen có hại dễ khiến bệnh xương khớp mùa lạnh "ghé thăm" mà bạn cần tránh để khỏe mạnh hơn trong mùa đông này bao gồm:
2.1. Uống không đủ nước
Vào mùa đông, nhiệt độ môi trường thường giảm xuống nên cơ thể không tiết ra nhiều mồ hôi như mùa hè, do đó cảm giác khát nước giảm đi, khiến mọi người có xu hướng uống ít nước hơn. Hơn nữa, không khí lạnh có thể làm giảm hoạt động của cơ thể, và khi ít vận động, nhu cầu uống nước cũng giảm theo.
Tuy nhiên, dù là trong mùa đông hay mùa hè thì uống đủ nước đều rất quan trọng đối với sự vận hành của cơ thể cũng như sức khỏe cơ xương khớp. Uống đủ nước giúp duy trì lượng dịch khớp cần thiết, giúp khớp hoạt động trơn tru và giảm ma sát giữa các bề mặt sụn - hạn chế tổn thương mô xương. Nước cũng giữ vai trò trong việc nuôi dưỡng sụn khớp và duy trì độ đàn hồi. Duy trì bổ sung lượng nước đầy đủ cho cơ thể cũng giúp loại bỏ chất cặn và độc tố ra khỏi cơ thể qua thận, giảm gánh nặng cho các khớp.
Ngược lại, uống không đủ nước làm tăng nguy cơ mất nước của cơ thể, gây giảm dịch nhờn khớp, làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp hay thoái hóa khớp do sụn bị mài mòn cũng như gây đau nhức khớp và giảm khả năng vận động.
Mùa lạnh nên uống bao nhiêu nước là đủ?
Mỗi nhóm tuổi có nhu cầu nước uống khác nhau. Trẻ nhỏ nên uống 1 lít nước mỗi ngày, trẻ lớn hơn 50ml nước/1kg cân nặng, người trưởng thành 2 - 2,5 lít nước/ngày, người lao động nặng, ra nhiều mồ hôi cần thêm 500ml - 1 lít nước/ngày.
Vào mùa lạnh, nếu bạn lười uống nước lọc thì nên tăng cường tiêu thụ thêm nhiều loại thực phẩm có lượng nước cao như súp, trái cây và rau quả chứa nhiều nước như bông cải xanh, các loại quả mọng, dưa hấu, dưa chuột và cần tây.
2.2. Mặc không đủ ấm, đặc biệt là giữ ấm kém ở các khớp
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy các khớp có cảm giác căng tức lên, đỏ tấy khi tiếp xúc với không khí lạnh trong thời gian dài? Như đã nói, vào mùa lạnh cơ thể rất dễ bị hàn khí xâm nhập khiến sức đề kháng suy giảm, tăng nguy cơ mắc bệnh cũng như tổn hại tới sức khỏe xương khớp. Điều này đặc biệt phổ biến hơn ở người lớn tuổi vốn có hệ miễn dịch kém, cơ xương khớp có độ lão hóa nhất định.
Cụ thể, mặc quần áo không đủ ấm khiến lưu thông máu cơ thể kém hơn, tăng độ nhớt dịch khớp dẫn tới khả năng bôi trơn khớp bị ảnh hưởng. Từ đó dẫn tới bệnh xương khớp mùa lạnh bùng phát với các cơn đau, sưng tấy và kém linh hoạt.
Bởi vậy mà việc giữ ấm cơ thể, nhất là tại các khớp khi trời lạnh sẽ giúp cải thiện lưu thông máu đến khớp và cơ bắp, từ đó giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và đau nhức do cơ thể phản ứng với nhiệt độ lạnh. Khi cơ thể bạn đủ ấm, các khớp sẽ hoạt động linh hoạt hơn, độ nhớt của dịch khớp giảm và cơ bắp bớt căng thẳng, từ đó giảm nguy cơ tổn thương và hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh chóng sau các chấn thương hoặc mệt mỏi.
Để giảm đau xương khớp khi trời lạnh, cần chú ý khi khớp đang viêm sưng không nên xoa bôi các loại dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang bị tổn thương đó. Điều này có thể khiến các khớp sưng viêm tăng lên. Hãy thử tắm nước ấm hoặc chườm ấm khớp bằng các loại thảo được như ngải cứu sao muối giảm đau khớp, túi chườm chuyên dụng,...
2.3. Lười vận động
Tập thể dục, đặc biệt là các bài tập sức mạnh có vai trò quan trọng trong việc xây dựng khối lượng cơ và sức mạnh, hỗ trợ sức khỏe xương khớp và giảm nguy cơ chấn thương; thậm chí có thể giúp kiểm soát cơn đau khớp và các bệnh như loãng xương.
Vào mùa lạnh, nhiều người kém vận động khiến các khớp kém linh hoạt, tăng tê cứng khớp, khí huyết cũng vì thế mà kém lưu thông hơn. Theo thời gian sẽ khiến chức năng cơ bắp, khả năng bôi trơn tự nhiên của khớp bị giảm. Từ đó tăng nguy cơ xảy ra bệnh xương khớp mùa lạnh như thoái hóa khớp hay viêm xương khớp.
Tương tự với tác hại của thói quen kém vận động thì ngồi lâu một chỗ cũng ảnh hưởng tới khả năng linh hoạt của các khớp cũng như có thể gây căng thẳng cho các khớp ở cổ, vai và lưng. Để tránh điều này, hãy đảm bảo bạn có tư thế làm việc đúng, đứng lên di chuyển hoặc kéo giãn cơ thể nhẹ nhàng sau mỗi 1 giờ đồng hồ ngồi làm việc.
Ngoài 3 thói quen có hại có thể khiến bệnh xương khớp mùa lạnh bùng phát kể trên thì để dự phòng tốt, mọi người cũng cần xây dựng một chế độ ăn khoa học, giàu dinh dưỡng, tránh các thực phẩm có hại cho xương khớp như món ăn nhiều đường, muối, thực phẩm chế biến sẵn, rượu bia - nhất là khi cơn đau xương khớp đang diễn ra; thay vào đó là tăng cường các thực phẩm hỗ trợ bổ sung dịch nhờn khớp, thực phẩm tốt cho xương khớp như cá béo, bông cải xanh, quả mọng, gừng, tỏi,... Đồng thời không nên lạm dụng thuốc giảm đau xương khớp, chỉ uống thuốc theo đơn của bác sĩ và theo dõi bất thường tại xương khớp để thăm khám sớm.