3 yếu tố quan trọng giúp con thích đọc

13/04/2016 - 15:15
Đó là thời gian đọc sách, chọn sách phù hợp và cách đọc đúng.
Với trẻ em trước đây, bên cạnh những trò chơi tự tạo, trò chơi nhóm thì đọc sách là một đam mê, mang lại rất nhiều niềm vui. Với gia đình có điều kiện kinh tế, cha mẹ thích đọc sách và quan tâm đến việc đọc của con thì thường chú trọng việc mua sách, tặng sách cho con và trong nhà có bày biện, sắm sanh tủ sách nhỏ. Ngoài giờ học ở trường, về nhà trẻ có thể tìm niềm vui bằng cách vùi đầu vào từng trang sách cũ bất kể lúc nào, đọc say sưa bất kể thể loại nào. Với các gia đình không có sách, trẻ dùng “thẻ thư viện học sinh” đến phòng đọc sách/thư viện của trường, của khu dân cư/của thành phố mượn sách đọc tại chỗ hoặc mượn mang về. Thời ấy, cũng có những trẻ ham đọc sách, đã chắt chiu từng đồng tiền tiết kiệm, dành đi thuê sách về đọc.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu, xu hướng đọc sách của trẻ có nhiều đổi thay. Trẻ em, cũng như người lớn, đang chịu ảnh hưởng lớn bởi xã hội công nghệ cao với các thiết bị số, mạng Internet... Sách, đặc biệt là sách in, sách kiểu cũ bị cạnh tranh mạnh mẽ, không còn độc tôn chiếm được sự quan tâm, vui thích của trẻ! Một số ít những trẻ yêu thích sách thực sự thì sách nào cũng vẫn say mê đọc, còn lại nhiều trẻ chỉ thích truyện tranh in đẹp (do ít chữ, nhiều hình ảnh, nội dung là các tình huống truyện vui vẻ, và do ảnh hưởng vài thập kỷ của manga Nhật Bản). Nhiều trẻ lại chỉ thích chọn các sách có nội dung hiện đại, có nhân vật trong phim hoạt hình đang chiếu, đang nổi tiếng hoặc các sách đã được dựng phim...
Công nghệ phát triển dẫn đến những đổi thay mạnh mẽ trong việc đọc.
Năm 2007, trang bán hàng trực tuyến Amazon lần đầu ra mắt máy đọc sách điện tử (ebook) Kindle đã đánh dấu sự đổi thay mạnh mẽ về xu hướng đọc. Với các tính năng vượt trội: giá cả phải chăng (hiện giá khoảng trên 3 triệu đồng), máy nhỏ nhẹ (280-300g), khả năng truy cập tức thời, lật từng trang y như sách thật và dung lượng lưu trữ thì “khổng lồ”, được ví như một thư viện… máy đọc sách dần trở thành lựa chọn mới của nhiều người thích đọc và của phụ huynh (đặc biệt là ở khu vực đô thị). Thay vì phải ra nhà sách mua sách in, cha mẹ chỉ cần đăng nhập các trang ebook, các nhà sách online như vinabook, tiki, bookbuy… là xem được ngay giới thiệu nội dung sách, giao lưu với tác giả, tham khảo các comments (ý kiến) của độc giả khác để có được lựa chọn phù hợp với trẻ trước khi tải miễn phí về máy hoặc đặt mua. Với những trẻ được cha mẹ cho phép dùng điện thoại, máy tính bảng, hiện các em cũng dễ dàng kết nối Internet để đọc sách trực tuyến hoặc nghe audio book (sách nói/kể)…
Theo cháu Đỗ Thanh Thảo (12 tuổi, phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội): Cháu thích đọc các loại truyện của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, truyện cổ tích và truyện trinh thám... Vào năm học mới, các ngày trong tuần cháu đều đi học ở trường nên không còn nhiều thời gian để đọc.
Hay như cháu Trần Minh Trí (Trường THCS Thành Công, Hà Nội) thì được bố mẹ cho phép sử dụng công nghệ từ khá lâu (ngay khi cháu còn học lớp 3).

Ngoài thời gian chơi game, giải trí, Minh Trí rất hay dùng máy lên mạng tìm đọc những loại sách (ebook) liên quan đến nội dung mà mình thích như sách về khoa học vũ trụ, sách hóa học, giải phẫu cơ thể  người”.

Cha mẹ cần làm gì để giúp con đọc sách?
Hiện nay, thời gian của trẻ em chủ yếu tập trung cho việc học, đặc biệt các em ở thành phố. Nhiều trường học bán trú và học chính quy, chiếm trọn cả ngày. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định: ở cấp Tiểu học, thầy cô giáo  không giao bài tập về nhà, không dạy thêm học thêm nhưng thực tế có nhiều trẻ vẫn phải làm bài tập, học thêm nên thời gian rất eo hẹp. Nếu có chút rảnh, được giải trí thì nhiều trẻ lại rất dễ “cắm mặt vào” smartphone, Ipad, tivi… với những chương trình, phim ảnh hoạt hình, game,  facebook… đầy hấp dẫn, sinh động, chuyên nghiệp.
Trước những áp lực trên, để giúp trẻ vẫn đọc được những sách cần thiết, các phụ huynh mỗi người một cách.
Theo anh Nguyễn Văn Thanh  (36 tuổi, ngõ 4/79 Phố Triều Khúc, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân, HN):Tôi nhận thấy rõ ràng việc đọc sách giúp nâng cao sự hiểu biết của trẻ em về thế giới quan, nhận thức các vấn đề trong cuộc sống nhanh chóng hơn. Khi cha mẹ giúp con tự đặt ra các câu hỏi và để trẻ tìm cách trả lời các câu hỏi đó thông qua sách thì khả năng tư duy độc lập của trẻ sẽ tốt hơn. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn qua việc đọc sách, con sẽ cảm nhận được các giá trị tốt đẹp của cuộc sống thông qua các câu chuyện trong sách dẫn đến sau này con sẽ có những cách hành xử nhân văn hơn - cái này tôi rút ra từ chính những người bạn thích đọc sách của tôi. Bởi vậy, khi con tôi vào năm học mới, ngoài giờ học, gia đình tôi thường chú ý đến việc nghỉ ngơi, giải trí và việc đọc của con. Khi em bé cần hỏi thì mình sẵn sàng trả lời, thấy em bé đọc cái gì đó mà mình cảm thấy không phù hợp về nội dung, cách ngồi đọc, cầm đọc, vị trí đọc không đúng thì mình phải nhắc để chấn chỉnh luôn”.

Với anh Nguyễn Văn Thanh: "Bên cạnh việc giúp con nghỉ ngơi, giải trí, bố mẹ cần phải giúp con đọc sách, những cuốn có nội dung phù hợp, hướng dẫn cách đọc đúng".

Theo Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB đọc sách cùng con: “Trong khi người lớn cứ lo ngại về việc trẻ lười đọc sách, về "sự đi xuống của văn hoá đọc" thì, trên thực tế, có một vấn đề cần giải quyết trước hết lại không nhiều người đề cập: thời gian dành cho việc đọc sách. Tôi thấy vẫn nhiều phụ huynh phải giục con học, cấm đọc sách để không ảnh hưởng đến bài vở... Khi chúng ta có ý thức tìm được khoảng thời gian hợp lý cho trẻ đọc sách như đã nói trên thì không nên có khái niệm "đọc mà thiếu thời gian" nữa mà cần giới thiệu sách phù hợp độ tuổi. Trẻ rất nên đọc cân đối giữa các thể loại: sách văn học (bao gồm cả truyện lịch sử, viễn tưởng, thơ...), sách kỹ năng, sách khoa học, truyện tranh. Các bạn nhỏ lớp 1, 2, 3 nên đọc sách có minh hoạ, trình bày đẹp, chữ rõ ràng và lượng từ không quá nhiều. Các bạn lớn hơn thì đến với những cuốn sách "nhiều chữ" hơn”. 

Một số gợi ý của chị Nguyễn Thụy Anh về các thể loại sách tối thiểu giúp trẻ có thể đọc: “Cá nhân tôi rất thích bộ sách Những truyện hay dành cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng với các tác giả Việt Nam như Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Hoài Dương, Xuân Quỳnh, Trần Đức Tiến... Bộ sách này có thể đưa vào chương trình đọc cho học sinh tiểu học. Ngoài ra, hiện các nhà xuất bản, các công ty sách đều có ý thức giới thiệu với độc giả (lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở) những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới được trình bày mới, bắt mắt, có khả năng kích thích niềm yêu thích đọc. Chẳng hạn, Kim Đồng, Nhã Nam, Alphabooks... với "Ông già Khottabych ", " Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio", "Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện li kỳ của Bu-ra-ti-nô", "Vichia Maleev ở nhà và ở trường",  "Chuyện con mèo dạy hải âu bay",  "Hai vạn dặm dưới biển", "Gulliver du ký", "Không gia đình"... Với sách khoa học, có các bộ sách của nhà xuất bản Trẻ , Kim Đồng và công ty Long Minh. Bộ Khoa học "kinh dị" thú vị, dí dỏm, hợp với lứa tuổi từ lớp 4,5 và trung học cơ sở. Bộ sách nhà phát minh của Long Minh hợp với cả lớp bé của tiểu học cho đến lớp 6,7...”. 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm