30/4 rủ nhau đi xứ nẫu

29/04/2017 - 08:51
“Nẫu” theo phương ngữ là đại từ nhân xưng ngôi thứ 3, có nghĩa là “hắn, nó, người ta, bọn họ”. Xứ nẫu bao gồm các vùng Bình Định và Phú Yên.
Biết tôi là dân du lịch nên bạn bè hay nhờ tư vấn chuyện ăn chơi, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Quan điểm du lịch của tôi là “Đi chơi cứ chọn nơi vắng vẻ. Tránh xa chốn nhộn nhịp xô bồ”. Khổ nỗi, vắng vẻ thì dịch vụ thường kém, không vui. Tuy nhiên, có chỗ chưa xô bồ nhưng chất lượng tour lại tốt, đặc biệt là việc ăn và ngủ. Đó là xứ nẫu Phú Yên, đảm bảo khách đến một lần là nhớ. Tôi vốn là người khó tính, rất kiệm tiếng khen nhưng không tiếc lời với những nơi “đáng đồng tiền bát gạo”.
1.jpg
Vũng Lắm và vịnh Xuân Đài
Quanh năm tất bật bon chen, ngột ngạt nơi phố phường công sở, mấy ngày được nghỉ lễ, kiếm chỗ nào bù đắp. Chỉ cần chốn ngủ lịch sự, thoải mái, không khí trong lành, không lo kẹt xe; có nhiều món ngon, bổ, rẻ; có nhiều cảnh đẹp mới lạ và giá cả hợp lý. Thế thì còn chần chờ gì nữa mà chưa làm một chuyến về với Tuy Hòa - Phú Yên.

Hệ thống khách sạn ở Phú Yên, phòng ốc mới, sạch sẽ, giá cả cực “mềm” và chưa có chuyện “chặt chém”, kể cả dịp lễ, Tết, phục vụ lại tận tình chu đáo. Có hẳn khách sạn 5 sao chuẩn quốc tế nhưng giá chỉ 3 sao là CenDeluxe. Khu du lịch sinh thái Thuận Thảo kế bên với nhiều trò mới lạ hoặc Thuận Thảo Resort bên bờ biển Tuy Hòa có hồ bơi nước biển trên bờ để bạn thỏa chí vẫy vùng. Phú Yên còn có Khu du lịch Sao Việt nằm trên ngọn đồi phía Bắc TP Tuy Hòa. Khách sạn 4 sao thì có Sài Gòn - Phú Yên, Kaya; 3 sao có Hùng Vương, Long Beach…
2.jpg
Bãi Môn
Phú Yên là nơi hội tụ núi non, biển cả, đầm vịnh, sông, hồ. Gành Đá Dĩa - danh thắng quốc gia độc đáo được đầu tư nâng cấp đường giao thông, xe 45 chỗ thoải mái vào tận nơi, chẳng phải vất vả nhiều. Từ xa, Gành Đá Dĩa nom tựa tổ ong khổng lồ nhô ra biển mà du khách là những chú ong kỳ lạ. Tới gần, mới hiểu thêm tên gọi Đá Dĩa. Những khối đá đen tuyền, hình ngũ giác, lớp nọ chồng lên lớp kia như trong các lò gốm, nửa chìm, nửa nổi giữa bạt ngàn xanh trời biển. Cảnh đẹp lạ lùng này chỉ Phú Yên mới có.

Đầm, vịnh thì có Ô Loan, Cù Mông, Xuân Đài… cực đẹp. Vịnh Vũng Lắm từng là thương cảng sầm uất từ thế kỷ XVI. Vịnh Vũng Rô gắn liền với những con tàu Không Số và huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Các bãi tắm đẹp như: Bãi Bàng,  Rạng, Bàu, Nồm, Tràm, Bình Sa, An Hải, Phú Thường, Súng, Xép, Long Thủy, Tuy Hòa… và có cả bãi Ôm trong vịnh Xuân Đài ngộ ngĩnh. Tôi thích tắm bãi Môn, dưới chân ngọn hải đăng. Đây được xem là bãi tắm ở cực Đông trên đất liền Việt Nam. Bãi nhỏ, đẹp xinh, nước trong xanh, cát trắng mịn, có suối nước ngọt kế bên để tắm thoải mái.
d.jpg
Du khách thăm Gành Đá Dĩa
Hải đăng mũi Đại Lãnh được xem là nơi đón nhận ánh nắng mặt trời đầu tiên vào đất liền Việt Nam. Hải đăng có chỗ nghỉ tươm tất, lúc nào cũng mát rượi. Ở đây có dịch vụ săn cá chình biển, chứ không phải câu, cực kỳ ấn tượng. Cứ như phim hành động Mỹ. Dĩ nhiên phải có sức khỏe và hơi mạo hiểm một chút mới “đóng phim” được. Tôi rất ghiền cảm giác đứng trên hải đăng, hít tràn lồng ngực, vỡ òa gió biển hào phóng.

Muốn thử sức dẻo dai thì bạn hãy chinh phục núi Chóp Chài ngay TP Tuy Hòa, như một “kim tự tháp thiên nhiên” hoặc leo lên đỉnh Đá Bia, còn gọi là “Phương Nam đệ nhất trụ”. Buổi tối, Tháp Nhạn trên núi Nhạn nằm giữa lòng thành phố, bên bờ hạ lưu sông Ba, lên đèn lung linh đẹp như mơ. Tôi ước nơi đây có quán cà phê, để ngồi ngắm trăng cùng tri kỷ, mơ màng ngỡ đang trên đồi Montmartre của Paris hoa lệ.

Hấp dẫn nhất khi thăm xứ nẫu là thưởng thức ẩm thực. Nào ốc nhảy sông Cầu, ghẹ đầm Cù Mông, sò huyết và hàu đầm Ô Loan, cua huỳnh đế và cá chình 7 món ở hải đăng - mũi Đại Lãnh; gỏi sứa, bánh hỏi, bánh tráng thịt heo luộc Hòa Đa, chả dông Hòa Hiệp…
4.jpg
Tháp Nhạn
Món ngon sở dĩ gắn địa danh đặc trưng là để phân biệt với những nơi khác. Tuy Hòa có cà ri cùi di hon (vi cá nhám), cù lao lươn đùm, chả cá thác lác, lươn um chuối, gỏi mít trộn hải sản, canh lá giang đủ loại… Món nướng, ngoài hải sản còn có gà vườn, cút rẫy, dê núi, bò một nắng hai sương ăn kèm các loại rau rừng. Rau nhà xứ nẫu, mà đặc sản là rau lưỡi rồng, luộc chấm chao, xào, nấu canh cá đều lạ miệng. Các loại bánh xèo, bánh căn hải sản, bánh nậm, bánh ít… đều có hương vị riêng, không lẫn vùng khác. Phú Yên cũng là “thủ đô của cá ngừ đại dương ở Việt Nam”, còn gọi là cá bò gù, với hàng chục món “danh bất hư truyền”.

Con đường Bạch Đằng, còn gọi là đường Bờ Kè, chạy dọc sông Đà Rằng là “thủ phủ ẩm thực” xứ nẫu. Hơn trăm quán bình dân với đủ bộ sưu tập món ngon, tươi, lạ, rẻ mà bổ dưỡng. Đi ngang là phải ghé vô. Cứ ăn món này lại tiếc món kia.

Chợ Tuy Hòa dù hiện đại vẫn chân quê, thân tình và niềm nở. Khách cũng không sợ nạn lườm nguýt, không ngại nạn hét giá hoặc đốt phong long (đốt vía). Trải nghiệm xứ nẫu, vừa nghỉ ngơi thư giãn, vừa hiểu thêm bao điều mới lạ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm