30 giờ khám phá “nóc nhà" Đông Nam bộ

09/09/2017 - 07:45
Núi Bà Đen (Tây Ninh) được mệnh danh là “nóc nhà Đông Nam bộ” với độ cao 986m. Chinh phục ngọn núi này đối với dân du lịch nghiệp dư, dù chọn cung đường dễ nhất, cũng là thử thách để vượt qua chính mình.
Cung đường dựng đứng

Không cần mất quá nhiều thời gian chuẩn bị, rủ nhau ngày hôm trước, thuê lều trại, mua vài vật dụng cần thiết, hôm sau chúng tôi đã lên đường đến với Bà Đen. Khởi đầu hành trình từ 9h sáng, chặng đường hơn 100km từ TPHCM đi Tây Ninh trước khi dừng ở chân núi Bà Đen tốn của chúng tôi gần 3 giờ đồng hồ.
Mốc tọa độ Bà Đen

Sau bữa cơm trưa chắc bụng và ít phút chợp mắt bên chiếu võng nghỉ, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình. Leo núi Bà Đen có vài cung đường khác nhau với độ khó không giống nhau. Đường chùa dễ nhất và luôn là lựa chọn hàng đầu của mọi người. Đường cột điện ngày càng trở thành cung đường quen thuộc.

Ma Thiên lãnh, đường Núi Phụng hay đường Đá Trắng mức độ nguy hiểm tăng dần, thậm chí chỉ dành cho những phượt thủ chính hiệu. Lựa chọn cân bằng nhất cho chúng tôi là đường cột điện với 100 cây cột được xếp hàng từ chân núi lên đỉnh. Nói là 100 cột nhưng thực tế, khi đặt chân đến cột thứ 100, bạn chỉ cơ bản đã lên đến đỉnh, bởi khoảng 20 cột cuối cùng, đường không còn dốc đứng nên có phần dễ đi hơn.

Dưới cái nắng oi ả, dù len lỏi theo những phiến đá tự nhiên hay những tảng đá đã được mài đục, xếp khá ngay ngắn thành lối đi với tán cây rừng nhưng chúng tôi đều mướt mồ hôi. Balô trên lưng chỉ tầm 3-5kg giờ trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.
Nhóm bạn trẻ háo hức chinh phục đỉnh núi Bà Đen

Chúng tôi dõi theo từng số thứ tự được đánh trên cây cột điện. Con đường dốc đứng, cheo leo khiến mỗi thành viên đều mệt mỏi lê bước, cơ chân cứng, mỏi và nhức. Từ cột thứ 30 đến 50, nhiều người đã nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nhưng khi dừng chân ở cột thứ 55 - nơi vẫn được những người leo núi truyền tai nhau có một dòng nước suối chảy nhỏ - đã trở thành “vị cứu tinh” cho chúng tôi.

Không có trạm dừng chân, điểm tiếp nước nên dòng nước nhỏ mát lạnh chảy ngầm trong mạch núi, ngọt và rất tinh khiết giúp chúng tôi hồi sức để tiếp tục 1/2 chặng đường còn lại. Và, giống như một phép màu hay cứ cho là phép “thắng lợi tinh thần”, bởi từ cột mốc đó, cả đoàn đều rất hăng hái với vài chai nước suối tự nhiên được mang theo.

Dù chỉ được xếp thứ 2 về độ khó nhưng nếu đi vào những ngày mưa, đường cột điện trở thành nỗi ám ảnh bởi những phiến đá dựng đứng, nhiều đoạn rêu bám trơn hay có những đoạn đường đất. Sau cái nắng oi ả, mưa rơi nhẹ, trời tối dần khiến chúng tôi bắt đầu lo lắng. Càng lên cao, không khí càng lạnh hơn và cả đoàn đều tự động viên nhau... chạy mưa.
Ngắm bình minh bồng bềnh trong sương sớm

Chúng tôi gặp không ít người bạn đồng hành từ trên núi xuống với những lời động viên, đôi khi có cả lời thách thức. Từ cây cột thứ 85-90 trở đi, đôi chân dù đã rệu rã nhưng vì quen đường nên vẫn hăng hái, lại gặp may vì mưa đã tạnh.

Khi cây cột đánh số 100 xuất hiện cũng là lúc tất cả đều thở phào. Đỉnh Bà Đen trước mắt hiện lên với không khí bảng lảng chiều sương khói. Cảm giác khi “trèo lên đến đỉnh ta cao hơn đèo” không chỉ là điểm cuối hành trình mà giống như ta đã vượt qua chính mình. Hành trình ấy tiêu tốn của chúng tôi gần 4 giờ đồng hồ.
 
Đêm nghe sương rơi

Khi chúng tôi đặt chân lên đỉnh Bà Đen cũng là lúc trời bảng lảng. Lúc này vài đám khói lam chiều lẩn khuất sau làn sương, pha với những đám mây vờn. Những chiếc lều lớn nhỏ bắt đầu được dựng lên tại các khu đất bằng phẳng nhất. Vừa dựng lều, các nhóm vừa không quên kiếm củi rừng, thổi lửa vì ai cũng được cảnh báo, đêm trên đỉnh Bà Đen lạnh lắm.
Khung cảnh từ đỉnh Bà Đen nhìn xuống

Chút ánh sáng cuối ngày còn rớt lại đủ để làm nổi bật khối inox có ghi độ cao, mốc tọa độ của núi Bà Đen. Từ trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa là cả khoảng không mênh mông bao la. Khu vực ưa thích nhất là từ trên núi nhìn ngắm xuống hồ Dầu Tiếng hiền hòa, lẩn khuất trong làn mây chiều.

Song, buổi chiều trời sập tối rất nhanh và khi ánh đèn lên, toàn bộ khu vực dưới chân núi như được thắp bởi hàng nghìn ngọn nến lung linh.

Đêm trên đỉnh Bà Đen, mỗi nhóm phượt đều quây quần bên bếp lửa, nướng đồ ăn mang theo và ngồi kể những câu chuyện về hành trình đã qua, cùng nhau hát hò. Đêm xuống rất nhanh và rất sâu, sương rơi lộp bộp trên những tán lá cây rừng. Dù có cả gan đến mấy cũng không ai dám ngủ giữa thiên nhiên.

Ngay cả khi đã yên vị trong lều, bạn cũng có cảm giác như sương đang rơi trên da mình, mát lạnh như những viên đá li ti. Tiếng đêm nghe thật khẽ. Tiếng sương hòa với tiếng gió rít, tiếng nói chuyện thầm thì và cả tiếng chim, tiếng thú. Đêm càng lạnh và giấc ngủ cũng đến thật nhanh.

Biển mây lúc bình minh

Một đêm ngủ dù ngắn và không hẳn ngon giấc nhưng ai cũng háo hức chờ đợi khi ánh bình mình đầu tiên ló rạng. Cả một biển mây dưới chân núi bồng bềnh hòa trong sương sớm. Ánh nắng càng le lói, mây hiện lên càng trắng, rõ hơn và khung cảnh bên dưới hiện ra như bức tranh sơn thủy hữu tĩnh với dòng nước uốn lượn.
Đông đảo du khách đón bình minh trên núi Bà Đen

Cái ngái ngủ vì vậy cũng qua rất nhanh bởi vẻ đẹp thiên nhiên đủ sức để bao cặp mắt trầm trồ. Nắng lên nhanh nhưng bị mây che rất nhanh nên ai cũng tranh thủ chờ đợi khoảnh khắc đẹp nhất để ghi lại hình ảnh cho riêng mình. Nhưng, cái đẹp thường đến và đi chóng vánh bởi khi ánh nắng bắt đầu chói chang cũng là lúc phải thu dọn lều bạt để kịp xuống núi trước khi nắng gay gắt.

Chặng đường lên núi gian nan bao nhiêu thì xuống núi cũng chẳng dễ dàng chút nào. Những cung đường khi lên dựng đứng, thậm chí phải bò bằng cả 2 tay thì khi xuống núi phải dùng gậy để chống, 2 tay vịn vào những phiến đá để không bị nhào người xuống.

Đôi chân như siết chặt xuống từng phiến đá, thậm chí rộp lên qua lớp giày bata, có lúc chỉ muốn khuỵu xuống. Càng lên cao bỏ lại khung cảnh phía dưới càng nhỏ bé thì khi xuống, mọi thứ được thu vào tầm mắt gần hơn. Khi chạm được đến những ruộng lúa bắt đầu lên màu xanh tốt cũng là lúc chúng tôi hoàn thành hành trình kéo dài đến gần 5 tiếng đồng hồ. Có những khuôn mặt tái mét, lả đi nhưng nụ cười vẫn nở rất tươi.

Bắt đầu chuyến hành trình từ 9 giờ sáng hôm trước, 11h trưa ngày hôm sau, chúng tôi đã hoàn thành chặng đường trước khi dành thời gian nghỉ ngơi để trở lại Sài Gòn lúc 4 giờ chiều. 30 giờ khám phá Bà Đen với chi phí vẻn vẹn chưa đến 500.000 đồng trên những chú “ngựa sắt” có lẽ là cái giá quá rẻ để khám phá “nóc nhà Đông Nam bộ”, khám phá chính bản thân mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm