30 năm Giải thưởng Kovalevskaia: Chuyện người đầu tiên nhận giải

05/03/2016 - 16:44
Người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng danh giá mang tên Nhà nữ toán học Nga lỗi lạc Kovalevskaia là cô giáo Bùi Thị Tý. Bà cũng là người được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú đợt đầu.

Trở thành sinh viên Toán khóa đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cô sinh viên Bùi Thị Tý mang trong mình nhiều hoài bão. Nhớ lại quãng thời gian này, cô giáo Bùi Thị Tý tâm sự: “Từ những ngày mới cắp sách đi học mình đã mang ước mơ mai này lớn lên được làm cô giáo. Những lúc mơ mộng mình lại hình dung ra cảnh được đứng trên bục giảng, ngắm nhìn những khuôn mặt, những ánh mắt như thiên thần của các em học sinh đang hướng lên mình với vẻ ngưỡng mộ, thán phục”.

Tuy ước mơ là vậy nhưng đến khi tốt nghiệp phổ thông trung học, cô lại không chọn ngành sư phạm mà thi vào khoa Toán, Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học Tự nhiên để trở thành nhà khoa học. Mới học hết năm thứ 3, do yêu cầu phát triển giáo dục, giáo viên lúc này thiếu nhiều, sinh viên được điều động về đi dạy nên cô Bùi Thị Tý cũng có mặt trong số đó. Cô gắn bó với nghề giáo từ đấy. Lúc này, cô được phân công về dạy ở Trường cấp 3 Hưng Yên.

 Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý

Nhớ lại buổi lên lớp đầu tiên, dù trước đó mấy ngày đã chuẩn bị thật đầy đủ, kỹ càng cho bài giảng rồi, nhưng đến khi đối diện với hàng chục cặp mắt đang nhìn mình không chớp, cô mất hết bình tĩnh phải một lúc sau mới giảng được rồi cứ thế thao thao bất tuyệt không nhớ là mình đã nói những gì. Đến khi dừng lại hỏi các em có hiểu không thì không một ai trả lời, cô bèn nói: “Ai không hiểu thì giơ tay lên”, thế là gần như cả lớp đều giơ tay. Hôm đó về nhà thấy buồn quá. Cả mấy ngày sau nữa cô cũng không sao xua tan đi được ấn tượng ngại ngùng của buổi dạy đầu tiên. Cô cứ suy nghĩ mãi và hiểu ra rằng: Muốn truyền đạt bài giảng có hiệu quả là cả một nghệ thuật.

Trong lớp có đến mấy chục em, mức độ tiếp nhận bài giảng không như nhau. Vì vậy phải tìm cách để làm sao cả những em đang kém và những em sáng dạ đều nắm bắt được một cách cơ bản bài học. Sau đó mới dựa vào học lực từng em để tìm cách nâng cao hay phụ đạo thêm. Nhận thức được điều quan trọng đó, cô bắt đầu học hỏi, quan sát những đồng nghiệp và đã lấy lại được tự tin. Một năm dạy ở trường cấp ba Hưng Yên thực sự đã giúp cô hiểu thêm rất nhiều điều về nghề giáo viên. Đó là một nghề tưởng như nhàn hạ nhưng thực ra vô cùng vất vả, căng thẳng.

Sau đó cô dạy ở Trường cấp 3 Miền Nam 24 huyện Chương Mỹ, Hà Đông rồi Trường cấp 3 Nguyễn Huệ thị xã Hà Đông - nay là quận Hà Đông, Hà Nội. Mỗi năm học đi qua để lại những kỷ niệm khó quên trong lòng cô giáo Bùi Thị Tý, nhất là những năm khói lửa đạn bom cùng học sinh đi sơ tán. “Đó là những năm tôi dạy ở Trường học sinh Miền Nam 24. Lo chỗ ở, lo bữa ăn, lo tiền khi học sinh chưa có học bổng, lo đào hầm hào tránh bom đạn…trăm việc phải lo” , cô Bùi Thị Tý nhớ lại.

Đêm đêm, sau khi đã thu xếp những việc gia đình, các con đã đi ngủ, cô lại mang sách vở, tài liệu ra nghiên cứu. Thời điểm những năm 70, chồng cô là giảng viên Toán của trường Đại học Tổng hợp lại đi công tác xa, một mình mình nuôi 3 con nhỏ nên cuộc sống luôn trong tình trạng túng quẫn, thiếu thốn, nhất là về thời gian. Thu xếp cho mình một khoảng thời gian riêng để chuẩn bị bài vở cũng không đơn giản. Tuy vậy, cô vẫn cố gắng học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga để có thể tự tham khảo, nghiên cứu các tài liệu nước ngoài, trên các sách, báo, chuyên san, học thêm chuyên đề Toán ở Đại học Tổng hợp.

Sau khi nghiền ngẫm các tài liệu, cô hệ thống thành các bài giảng sao cho thật dễ hiểu để các em dễ nắm bắt. Cô cũng thường sưu tầm những bài toán trong các cuộc thi quốc tế, các cuộc thi toàn quốc và ở các trường có uy tín về cho học sinh tham khảo. Không những thế, cô luôn cố gắng để làm sao cho tiết học hôm nay sinh động, nhiều kiến thức mới hơn tiết học hôm qua. Vì vậy, mỗi buổi lên lớp cả cô và trò đều thực sự thấy hứng thú. Nhiều học sinh nói với cô rằng, cô đã biến cho bài toán thành bài thơ, biến giờ học toán thành những giờ sáng tác đầy cảm hứng.

Hàng năm, nhà trường đều phát động phong trào sáng kiến kinh nghiệm, cô đã tham gia với một niềm sam mê, sung sướng. Vì thế, sau 22 năm công tác ở hệ chuyên toán, cô đã có một tập hồ sơ giảng dạy phong phú, hoàn chỉnh. Dựa vào đó mà mọi người mới biết đến cô và cũng trên cơ sở đó cô được cấp bằng sáng tạo lao động.

Lòng tận tụy quên mình của Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý đã được tập thể, nhân dân ghi nhận. Những danh hiệu xứng đáng trong những năm tháng cống hiến của bà đã nói lên khá đầy đủ phẩm chất cao quý của bà: Chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi, người phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà, đại biểu quốc hội trong nhiều khóa.

Bằng những cống hiến của mình, cô giáo Bùi Thị Tý vinh dự là người đầu tiên được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1985. Bà cũng là người được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú đợt đầu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm