3.529 người đăng ký hiến tạng

06/01/2016 - 16:50
Trong số 3.529 người trên cả nước làm đơn đăng ký hiến tạng khi chết não, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được 1.194 đơn, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nhận được 2.335 đơn.
Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người xác nhận với PNVN. 

Theo bác sĩ Phúc, người đăng ký hiến tạng ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng nhiều nhất là từ 25 đến 40 tuổi. Cá biệt, có trường hợp đăng ký hiến khi mới 16 tuổi và một số người trên 60 tuổi. Trung tâm cũng nhận được tập đơn của một gia đình, gồm bố mẹ, con cái, bạn trai, bạn gái của con, thậm chí cả người giúp việc cũng đăng ký hiến tạng nếu chẳng may chết não.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc xúc động khi nhận được rất nhiều đơn đăng ký hiến tạng

Bác sĩ Phúc cho rằng, khi một người hiến tạng, nhiều gia đình, xã hội sẽ được lợi. Cụ thể, khi tạng được hiến sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được cứu sống; ngành y tế được giảm tải, bởi hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận cần được ghép, hàng chục ngàn người cần phải thay giác mạc. Họ đang lấy BV làm nhà khiến nhiều BV tuyến cuối quá tải.

Nếu được cứu chữa, họ sẽ trở về gia đình, góp phần giảm tải BV, các bác sĩ có thời gian, điều kiện để nghiên cứu, điều trị cho bệnh nhân khác. Hơn nữa, Quỹ BHYT cũng được giảm tải. Ví như mỗi lần bệnh nhân chạy thận hết từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hầu hết họ đều có BHYT. Nếu số bệnh nhân này được cứu chữa, thì Quỹ BHYT giảm được rất nhiều. Ngoài ra, xã hội cũng được hưởng lợi, bởi những người suy tạng sau khi được điều trị sẽ tiếp tục lao động, cống hiến. Còn gia đình người hiến tạng cũng tự hào vì cứu được nhiều người, người nhận tạng cũng trân trọng cuộc sống hơn. 

Hai bệnh nhân được ghép tạng là Nguyễn Văn Hải (ngồi bên trái) và Trần Ngọc Hải (ngồi bên phải) đã hồi phục sau ca ghép tạng lịch sử ngày 4/9/2015, tại BV Việt Đức

"Nếu trong nhà có người hiến tạng thì gia đình sẽ tự hào. Trong thôn xóm, cộng đồng dân cư có nhiều gia đình như thế thì sẽ tạo thành phong trào. Chúng ta sẽ tạo ra dòng chảy văn hóa yêu thương hơn, quý sự sống hơn. Con người sẽ sống để yêu thương, chết để lại tạng, để lại hạnh phúc cho người còn sống", bác sĩ Phúc chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm