pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 bệnh thần kinh dễ gặp vào mùa lạnh và cách đối phó
Vào mùa lạnh, ngoài yếu tố khách quan do thời tiết như nền nhiệt, độ ẩm thấp, gió lạnh, ... chế độ ăn uống chưa khoa học, lười vận động là những nguyên nhân khiến cho cơ thể suy giảm miễn dịch, dễ mắc các bệnh lý, trong đó 4 bệnh thần kinh thường gặp và đe đoạ nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.
1. Đau đầu, đau nửa đầu
Những người thường xuyên bị đau đầu, đau nửa đầu thường nhạy cảm và xuất hiện các cơn đau trầm trọng hơn vào mùa lạnh.
Theo các chuyên gia, sự thay đổi áp suất khí quyển khi trời lạnh sẽ làm tăng áp lực lên xoang của bạn, điều này sẽ dẫn tới tình trạng đau nhức.
Ngoài ra, sự thay đổi của thời tiết khiến mạch máu co lại, tuyến thượng thận tăng tiết các chất thần kinh trong máu dẫn đến co mạch ngoại vi làm giảm lưu lượng máu lên não, gây ra tình trạng đau đầu.
Khi bị đau đầu hoặc đau nửa đầu do thời tiết, người bệnh xuất hiện thêm các triệu chứng khác như nhạy cảm với ánh sáng, buồn nôn, đau ở hai thái dương, tê ở mặt và cổ.
Để làm giảm tình trạng đau đầu, đau nửa đầu vào mùa lạnh, mọi người có thể áp dụng một số cách như:
- Uống nhiều nước
- Nghỉ ngơi hoặc ngủ một giấc ngủ dài, nên tìm cho mình một không gian yên tĩnh và tắt điện sáng.
- Chườm lạnh hoặc chườm ấm
- Massage hoặc bấm huyệt, nếu có thể bạn nên nhờ người khác xoa bóp đầu cho mình để giúp thư giãn hơn.
- Uống trà gừng
- Tránh sử dụng thực phẩm được chế biến sẵn, rượu bia, thực phẩm lên men, khói thuốc, …
Đau đầu, đau nửa đầu do thời tiết có thể phòng ngừa bằng một số biện pháp như:
- Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết như vitamin B12, D, Magie, Melatonin, Coenzyme Q10.
- Xây dựng lối sống khoa học như thể dục thể thao thường xuyên, ngủ sớm, tắm sớm, …
2. Sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là sự suy giảm chức năng nhận thức, ảnh hưởng đến trí nhớ, giao tiếp và suy nghĩ. Đây là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi và có xu hướng trầm trọng hơn vào mùa lạnh.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học Sức khỏe Sunnybrook và Đại học Toronto đã tiến hành nghiên cứu để xem liệu bệnh Alzheimer có thể có yếu tố theo mùa hay không. (1)
Kết quả cho thấy rằng, chức năng nhận thức trung bình tốt hơn trong mùa hè và mùa thu so với mùa đông và mùa xuân. Sự khác biệt được tính là tương đương với 4,8 năm suy giảm nhận thức bình thường.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2019 (2) đã xem xét gần 200.000 người tham gia có nguồn gốc châu Âu. Nghiên cứu cho rằng các yếu tố về lối sống như tình trạng hút thuốc, hoạt động thể chất, chế độ ăn uống và uống rượu có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Vì vậy. duy trì lối sống lành mạnh và năng động có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của chứng mất trí nhớ ở người cao tuổi.
3. Đột quỵ
Nghiên cứu từ các quốc gia như Phần Lan, Úc, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan, Trung Quốc và Iran đều báo cáo rằng đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn vào những tháng lạnh so với những tháng ấm. (3)
Điều này xảy ra có thể do thời tiết lạnh làm các mạch máu bị co thắt, làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân bị xơ vữa động mạch.
Hơn nữa, khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể sẽ tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu để tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến hình thành cục máu đông, từ đó làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não.
Chế độ ăn uống và lối sống chưa khoa học, lười vận động thể dục thể thao là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh. Do đó, mọi người nên thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để làm giảm nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn:
- Bỏ thuốc lá
- Hạn chế sử dụng rượu bia. Uống nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ
- Giữ cân nặng vừa phải. Thừa cân béo phì cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ. Để giúp kiểm soát cân nặng, bạn nên xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên.
- Kiểm tra huyết áp, cholesterol và bất kỳ tình trạng sức khỏe nào bạn đang gặp một cách thường xuyên.
- Vận động, thể dục và duy trì chế độ ăn uống cân bằng như hạn chế thực phẩm nhiều muối, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc, các loại đậu, …
4. Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
Dây thần kinh số VII có tác dụng chi phối vận động cơ mặt, nằm sát với da, có đường đi phức tạp từ hệ thống thần kinh trung ương qua thái dương và tuyến mang tai đến các cơ ở vùng mặt.
Khi thời tiết lạnh, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh số VII bị co thắt, chèn ép nên dẫn tới tình trạng liệt.
Khi bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, người bệnh có các triệu chứng như méo miệng, chảy nước dãi, khó nói hoặc cười, khó nhắm mắt, đau đầu, nhạy cảm với âm thanh, lượng nước mắt thay đổi.
Đa phần những người bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên được điều trị sớm và đúng cách sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại biến chứng. Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu liệt mặt, méo miệng, mọi người nên đến bệnh viện sớm để được can thiệp.
Để phòng tránh tình trạng liệt mặt, méo miệng do liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, mọi người nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Giữ ấm cơ thể, không tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh
- Tập thể dục thường xuyên và duy trì chế độ ăn uống điều độ. Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, D, Kẽm, … Tuy nhiên, khi thể dục trong nền nhiệt thấp, mọi người nên mặc đủ ấm, khuyến khích các bài tập trong nhà để đảm bảo sức khỏe.
- Không nên tắm muộn hoặc tắm bằng nước lạnh
- Điều trị các bệnh có thể gây ra liệt dây thần kinh số VII như viêm tai mũi họng, chấn thương vùng xương chũm, vùng thái dương, …
Nhìn chung, "chìa khoá" để phòng ngừa các bệnh vào mùa lạnh là chế độ dinh dưỡng phù hợp, lối sống và vận động khoa học. Nếu các bạn có những bệnh mạn tính, ngoài chế độ luyện tập, việc thăm khám sức khoẻ định kỳ là điều cần thiết.