4 biện pháp tránh nhận nhầm con

15/03/2016 - 14:59
Quá trình từ khi thai phụ nhập viện chờ sinh đến khi về với gia đình đều theo một quy trình chặt chẽ. Dù vậy, gia đình cũng cần thực hiện các biện pháp để tránh nhận nhầm con.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, quy trình sinh và trao con tại các BV hiện được thực hiện rất chặt chẽ. Tại BV Phụ sản Hà Nội, thai phụ nhập viện sẽ vào phòng chờ để theo dõi. Nhân viên bệnh viện nhập tất cả thông tin của thai phụ vào máy tính, mỗi người sẽ có một mã số, bệnh án khác nhau. Khi có dấu hiệu chuyển dạ, thai phụ sẽ được chuyển đến phòng đẻ.

DSC_6351.jpg
Mổ sinh tại BV Phụ sản Hà Nội

Nếu sản phụ đẻ thường, ngay sau khi sinh, bé sẽ được giao trực tiếp cho mẹ, nằm ngay cạnh mẹ trên giường sinh. Sau sinh, bộ số giống nhau cũng được đeo vào tay sản phụ và trẻ sơ sinh. Trong trường hợp mổ bắt con, sản phụ sẽ được gây tê tủy sống nên hoàn toàn tỉnh táo. Sau khi em bé ra đời, điều dưỡng sẽ đưa con để mẹ nhận diện giới tính, hình hài và đeo bộ dây số giống nhau vào tay mẹ và bé.

14_zing.jpg
Bộ dây đeo tay cho mẹ và bé tại BV Phụ sản Hà Nội

Trong quá trình nằm viện, sản phụ cũng vậy, họ phải đeo mã số liên tục mà không được phép tháo ra. Em bé được tắm hằng ngày và luôn đeo mã số ở tay.  Tắm xong, điều dưỡng giao lại bé cho sản phụ và yêu cầu sản phụ đối chiếu mã số của trẻ và mẹ. Nếu trùng khớp, em bé mới được trả về cho sản phụ. “Với quy trình chặt chẽ như vậy, chắc chắn không thể có chuyện trao nhầm con”, bác sĩ Ánh khẳng định.

Quy trình trên cũng được thực hiện tại nhiều BV trong cả nước. Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TƯ cho biết, ngoài quy trình trên, dây đeo mã số của bé và sản phụ ở tay được dùng bằng dây nhựa mềm. Loại nhựa này khi bấm vào tay không thể dứt đứt, chỉ có thể dùng kéo cắt. Ngoài ra, BV còn quy định số hồng là con gái, số xanh là con trai. Do đó, việc trao nhầm lẫn trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản TƯ (BV C) cũng được coi là không thể xảy ra.

DSC_6439.jpg
TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội

Dù quy trình đã rất chặt chẽ, theo Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, sản phụ và gia đình nên thực hiện 4 biện pháp sau để tránh nhầm lẫn:
- Sản phụ cần khai đầy đủ thông tin, gồm họ tên, tuổi, địa chỉ gia đình, số điện thoại khi nhập viện. 
- Dự kiến đặt tên con (tên con có thể ghi bằng bút mực không nhòe vào cơ thể bé).
- Luôn giữ đeo số cho mình và bé. Đối chiếu số của bé và mẹ sau mỗi lần tắm xem có trùng nhau không.
- Phối hợp với với BV để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Gần đây, liên tiếp hai vụ trao nhầm con đã được phát hiện chỉ trong một tuần. Đó là trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (quận Ba Đình, Hà Nội) bị trao nhầm con cách đây 42 năm tại nhà hộ sinh quận Ba Đình, và trường hợp gia đình bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi, đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội). Mọi việc chỉ được sáng tỏ khi gia đình đưa người trong cuộc đi xét nghiệm ADN. Hiện tại, các gia đình đang nhờ cơ quan chức năng tìm người thân nhưng hiện chưa có kết quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm