pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 bước khởi nghiệp thành công trong mùa dịch Covid-19
Chuyên gia khởi nghiệp Trương Thị Hương Giang
Chuyên gia khởi nghiệp Trương Thị Hương Giang (Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế), chia sẻ các bước và yếu tố tăng khả năng thành công khi khởi nghiệp.
Bước 1: Khám phá khách hàng
Thông thường, các ý tưởng kinh doanh đa phần đều xuất phát từ năng lực sản xuất của chủ dự án, nên tập trung vào phát triển sản phẩm, sau đó tìm thị trường tiêu thụ. Theo thống kê của CB Insights, trong số 20 nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của các dự án khởi nghiệp, nguyên nhân đầu tiên là sản phẩm không phù hợp với nhu cầu, chiếm đến 42%.
Để tăng khả năng thành công, người khởi nghiệp cần xác định nhu cầu, mong muốn của khách hàng tiềm năng, trước khi cung cấp bất kì một sản phẩm/dịch vụ nào. Điểm xác định nhu cầu là những "vấn đề" thường xảy ra trong quá trình thực thi một nhiệm vụ nào đó và "vấn đề" đó cần được khai thác để cung cấp "giải pháp" phù hợp, từ đó đem lại lợi ích cho dự án.
Bước 2: Kiểm chứng giải pháp và thị trường
Căn cứ vào nhu cầu, startup sẽ phát triển sản phẩm, ban đầu ở dạng khả dụng tối thiểu. Sản phẩm đó không nhất thiết phải hoàn hảo, đơn giản là cần có những tính năng cần thiết để cung cấp. Quan trọng là kiểm chứng, đem chúng đến khách hàng tiềm năng, cho khách hàng trải nghiệm và thu phản hồi từ họ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, để tối thiểu hóa chi phí sản xuất, sản phẩm có thể chỉ dừng lại dưới dạng video ý tưởng, hoặc bản thiết kế sản phẩm hoặc thông tin dịch vụ..., miễn là có thể dùng nó để kiểm chứng sự phù hợp nhu cầu thực tế.
Bước 3: Học tập từ khách hàng
Phản hồi của khách hàng sẽ giúp bạn điều chỉnh sản phẩm phù hợp hơn. Quá trình này phải được lặp lại liên tục, với tốc độ và số lần càng nhiều càng tốt, đến khi bạn tìm ra mô hình kinh doanh tối ưu.
Bước 4: Xây dựng và điều chỉnh mô hình kinh doanh
Mô hình kinh doanh biểu đạt cách thức cung cấp giá trị đến khách hàng và cách thức kiếm tiền từ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp/dự án. Các startup cần theo dõi sự biến đổi của các hành vi tiêu dùng thời Covid-19 để có thể xây dựng, điều chỉnh các mô hình phù hợp xu thế, khai thác, giáo dục hình thành nhu cầu còn ẩn sâu và nhiều tiềm năng.
Với tất cả các bước trên, để có thể tăng khả năng thành công, mỗi người khởi nghiệp cần nhìn nhận yếu tố thành công từ góc độ thất bại?
Thay vì đề cập đến từ "thành công", hãy nhìn nhận khởi nghiệp từ góc độ "thất bại". Đó là vấn đề tư duy. Khi tỉ lệ thất bại trong khởi nghiệp chiếm 90%, chấp nhận thất bại là tư duy cần thiết của doanh nhân, tránh ảo tưởng, khởi nghiệp theo "phong trào", theo đám đông. Bởi lẽ khởi nghiệp không dành cho đa số.
Nếu xét theo cá nhân của người khởi nghiệp, qua quá trình tiếp xúc, quan sát, phỏng vấn các chủ dự án, chủ doanh nghiệp, những người đang thực hiện các dự án, thậm chí đã thất bại với dự án cũ và đang tái khởi nghiệp bằng các dự án mới, thì chắc chắn, họ đã thành công, theo góc độ tích cực nhất. Các cá nhân đó, tựu trung đều có một số đặc điểm dễ nhận thấy như sau:
-Kiên trì, nỗ lực vượt qua các trở ngại, gặp thất bại không từ bỏ, tiếp tục nỗ lực để bước tiếp.
-Tư duy và năng lực sáng tạo. Năng lực này giúp tạo sự khác biệt của sản phẩm/dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, xoay chuyển thích ứng với nhu cầu, vận động liên tục với tương lai bất định.
-Năng lực truyền cảm hứng, điều hành nhóm và hệ sinh thái xung quanh dự án. Đam mê của cá nhân người khởi nghiệp sẽ thông qua việc truyền cảm hứng, lập được nhóm xây dựng dự án.
-Năng lực vận hành. Một số kỹ năng quản trị cần thiết như nhân sự, tài chính, marketing, sản xuất... là cần thiết để vận hành mô hình kinh doanh hiệu quả và tinh gọn.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ