4 cách chẩn đoán viêm VA và phương pháp phòng ngừa

Nguyễn Lương
23/02/2023 - 17:01
4 cách chẩn đoán viêm VA và phương pháp phòng ngừa
Viêm VA là bệnh lý liên quan tới đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Vậy nên việc chẩn đoán sớm viêm VA là điều cần thiết để giúp quá trình điều trị nhanh chóng và hiệu quả.

Để có thể chẩn đoán tình trạng viêm VA, bác sĩ có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng kết hợp với các phương pháp khác như nội soi, xét nghiệm,...

1. Ý nghĩa của việc chẩn đoán viêm VA sớm

Viêm VA xảy ra khi các vi khuẩn hoặc virus tấn công vào VA và gây ra tình trạng viêm. Nếu viêm VA không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm hoặc gây ra tình trạng viêm tái phát, lâu dần trở thành viêm VA mạn tính.

Do đó, việc chẩn đoán sớm rất quan trọng, điều này sẽ giúp người bệnh được điều trị kịp thời, hiệu quả, phòng ngừa các biến chứng liên quan.

Một số biến chứng có thể gặp khi để tình trạng viêm VA quá phát như viêm đường hô hấp, viêm tai giữa cấp tính, biến dạng xương mặt, viêm khớp, viêm cầu thận, chậm phát triển trí tuệ,...

2. Phương pháp chẩn đoán viêm VA

Để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm VA, bác sĩ có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng kết hợp với một số phương pháp khác, cụ thể:

2.1. Khám lâm sàng

Trước tiên để chẩn đoán viêm VA bác sĩ cần khám lâm sàng đối với bệnh nhân bằng cách dựa vào các triệu chứng người bệnh đang gặp. Sau khi xác định được các dấu hiệu trùng khớp với dấu hiệu của bệnh viêm VA bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán cụ thể hơn.

Một số triệu chứng điển hình của viêm VA như sốt, nghẹt mũi, đau họng, khó nuốt, sưng hạch ở cổ, ngủ ngáy,...

Cách chẩn đoán viêm VA như thế nào? - Ảnh 1.

Viêm VA có thể được chẩn đoán ban đầu thông qua các triệu chứng lâm sàng (Ảnh: ST)

2.2. Nội soi

Phương pháp nội soi mũi họng sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện để chẩn đoán viêm VA cho bệnh nhân sau khi đã thực hiện khám lâm sàng. Những bệnh nhân có hầu hết các triệu chứng liên quan tới viêm VA sẽ được nội soi để phát hiện rõ hơn.

Cách chẩn đoán viêm VA như thế nào? - Ảnh 2.

Hình ảnh viêm VA theo cấp độ (Ảnh: ST)

Ở phương pháp nội soi này bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ viêm VA qua kích thước viêm VA quá phát như sau:

- Phì đại độ 1: che lấp dưới 25% cửa mũi sau

- Phì đại độ 2: che lấp dưới 50% cửa mũi sau

- Phì đại độ 3: che lấp dưới 75% cửa mũi sau

- Phì đại độ 4: che lấp trên 75% cửa mũi sau

Cách chẩn đoán viêm VA như thế nào? - Ảnh 2.

Hình ảnh viêm VA quá phát, che kín cửa mũi sau hai bên (Ảnh: ST)

2.3. Xét nghiệm máu

Phương pháp chẩn đoán viêm VA dựa vào việc xét nghiệm máu sẽ được thực hiện khi bác sĩ chỉ định. Khi xét nghiệm máu mà phần tổ chức tế bào VA bị viêm sẽ xuất hiện tình trạng gia tăng số lượng bạch cầu đột biến trong máu.

2.4. Làm xét nghiệm vi khuẩn

Phương pháp làm xét nghiệm nhằm mục đích xác định rõ loại vi khuẩn nào gây ra tình trạng viêm VA. Từ đó bác sĩ có thể kê các đơn thuốc điều trị phù hợp, giúp người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh và phòng ngừa biến chứng.

Ngoài các phương pháp chẩn đoán thông thường trên thì có thể áp dụng những phương pháp chẩn đoán khác nhau. Điều này phụ thuộc vào tình trạng viêm VA của bệnh nhân như chụp X-Quang, siêu âm,…

3. Phương pháp phòng ngừa viêm VA

Viêm VA chủ yếu là do tình trạng tiếp xúc nhiều với vi khuẩn, virus gây lên. Viêm VA chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ, vì vậy cha mẹ nên có những biện pháp phòng bệnh cho con như:

- Vệ sinh mũi họng hằng ngày: Việc vệ sinh mũi họng hằng ngày sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn, virus gây bệnh, giảm nguy cơ gây viêm nhiễm.

- Tránh tiếp xúc những nơi bụi bẩn, ô nhiễm: Một trong những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm VA đó là việc tiếp xúc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh, cha mẹ không nên để trẻ sống hoặc học tập, nô đùa trong môi trường có nhiều tác nhân này.

Cách chẩn đoán viêm VA như thế nào? - Ảnh 3.

Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói bụi, ô nhiễm, vi khuẩn, virus tấn công (Ảnh: ST)

- Uống đủ nước mỗi ngày: Khi cơ thể được cung cấp đầy đủ nước sẽ giúp giảm tình trạng khô mũi, giảm tình trạng vi khuẩn bám vào niêm mạc gây tình trạng viêm.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp: Việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và luyện tập hằng ngày sẽ góp phần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng ngừa virus, vi khuẩn tấn công và gây hại cho trẻ. Do đó, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây có múi, sữa, trứng,...

Như vậy có thể thấy rằng viêm VA không phải là bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên nếu bệnh không được phát hiện kịp thời điều trị thì có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng. Vậy nên việc chẩn đoán viêm VA là cần thiết để giúp người bệnh được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời, đúng cách.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm