Thi thoảng, hãy hỏi lại con: “Tại sao mình không nên ăn nhiều kẹo con nhỉ?” hay “Tại sao nên đi dép khi đi ra đường con nhỉ?”. Hãy để bé hiểu nguyên nhân thực sự của vấn đề, chứ không phải chỉ làm bởi vì “mẹ bảo thế” hoặc vì “thế là tốt cho con”.
2. Dạy con biết “cãi”: Mẹ nên khuyến khích bé “thuyết phục” mình trước những yêu sách mà bé đưa ra. Hãy chấp nhận lí lẽ và góc nhìn của bé, khuyến khích khi bé đưa ra lí do hợp lý, đó là khi bé đã biết cách tìm ra nguyên nhân của vấn đề.
Các mẹ đừng ngay lập tức trả lời các câu hỏi của con, hãy giúp bé tư duy phản biện bằng cách đặt câu hỏi ngược lại. Đặt câu hỏi cũng là điều mà mọi đứa trẻ đều hào hứng.
3. Hướng dẫn, hỗ trợ con tìm thông tin: Kiến thức mênh mông, hãy hướng dẫn con bạn cách tìm được thông tin con muốn biết qua các nguồn khác như sách vở, người thân: “Vấn đề này liên quan đến vật lý, có lẽ ông ngoại sẽ biết, con thử gọi điện hỏi ông xem” hay “Mẹ nhớ nhà mình có một cuốn sách về sinh vật, để mẹ xem nó có thông tin gì về việc ong làm ra mật thế nào không?”…
4. Khuyến khích con nghĩ theo cách mới mẻ và khác lạ: Đây là cách để giúp bé phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề. Khi bạn và con có vấn đề, hãy cùng ngồi lại với nhau để nghĩ ra những giải pháp giải quyết.
Ví dụ nếu con bạn thường xuyên nổi cáu và giành đồ chơi với em, đánh em, bạn có thể cùng con thảo luận và khuyến khích con đưa ra các giải pháp để giải quyết như “mỗi anh em chơi một phòng” ,“gọi mẹ trợ giúp khi bực tức với em”...
Hãy viết ra tất cả những giải pháp bạn và con cùng nghĩ ra và sau đó thảo luận để chọn ra những giải pháp thích hợp. Khi con bạn phản đối lại một giải pháp mà bạn đưa ra, đó chính là cách để con dần dần phát triển tư duy phản biện.