4 cách làm giàu cảm xúc tích cực cho con

20/06/2019 - 15:42
Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho trẻ là cả một nghệ thuật, rất cần sự sáng tạo một cách linh hoạt từ phía cha mẹ. Để bồi dưỡng cảm xúc tích cực cho con, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

Không ít bậc cha mẹ thường phàn nàn trẻ con giờ hay suy nghĩ và có cảm xúc tiêu cực. Động cái gì cũng thất vọng, bất mãn, bi quan, chán đời. Trong khi đó, cha mẹ mong các con có những cảm xúc tích cực bằng hành động cụ thể hơn.

Cảm xúc có cơ sở từ nhận thức. Trẻ hiểu đúng đắn, đầy đủ thì sẽ có cảm xúc tích cực, sâu sắc. Ngược lại, khi nhận biết hời hợt, nông cạn trẻ lại có những cảm xúc tiêu cực, nửa vời. Vì thế, khi giáo dục và bồi dưỡng cảm xúc tích cực về một vấn đề cụ thể, cha mẹ nên giúp trẻ hiểu một cách đầy đủ, rõ nét về điều mà trẻ bày tỏ cảm xúc. Chẳng hạn, nếu trẻ bất mãn, bi quan vì thua kém bạn bè, cha mẹ hãy giúp trẻ nhận thấy không có ai hoàn hảo, mỗi người đều có điểm mạnh, yếu khác nhau. Con cần nhận thấy điểm mạnh của mình để tự tin và phát huy.

Cũng như nhận thấy mặt yếu của bản thân để dần dần khắc phục, không được tự ti, thu mình và có những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, băn khoăn một cách thái quá. Điều đó khiến con mất động lực để phấn đấu làm những điều mình yêu thích, hứng thú. Khi đánh giá con về những cảm xúc mà con thể hiện ra, cha mẹ cũng nên đặt mình ở vị thế của con và trong hoàn cảnh mà con đang trải qua để đồng cảm, thấu hiểu. Có những cảm xúc mà đối với “tầm nhìn” của con là không thể cứu vãn được, thì có sự trợ giúp của bậc phụ huynh mọi việc sẽ hanh thông hơn. Trẻ nhận thức chủ yếu theo cảm tính, nên cha mẹ biết gần gũi con để tạo cảm xúc tích cực.

nau-an-gia-dinh.jpg
Ảnh minh họa

 

Cảm xúc mang tính chủ thể rõ nét. Có thể đứa trẻ này thích học toán, và đứa trẻ kia thích học Anh văn. Hoặc cùng đọc một quyển truyện, nghe một bản nhạc, chơi một môn thể thao, nhưng mỗi đứa có một biểu hiện cảm xúc khác nhau. Bản thân trẻ lúc này thích đọc truyện, nhưng thời gian sau có thể thích chơi đàn hơn…

Điều đó cho thấy, phụ huynh cần hết sức gần gũi để thấu hiểu những nhu cầu, sở thích của con và tôn trọng sự lựa chọn của chúng. Tránh áp đặt, ép buộc theo ý muốn chủ quan của người lớn với suy nghĩ “cha mẹ bao giờ cũng đúng”. Nếu muốn trẻ đồng thuận với yêu cầu, thay vì quá cứng nhắc “con phải thế này, phải thế kia” thì hãy biến những vấn đề đó thành nhu cầu của trẻ. Khích lệ trẻ thường xuyên, đúng cách và kịp thời.

Cảm xúc có khả năng lan truyền từ người này sang người khác. Bầu không khí tâm lý của gia đình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng hàng ngày của trẻ. Trẻ được sinh hoạt, học tập và làm việc trong một gia đình ấm cúng, hạnh phúc, mọi thành viên sống yêu thương, bình đẳng với nhau là môi trường lành mạnh để trẻ biết rung động trước những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Ngược lại, trẻ sống trong một gia đình mà không khí tẻ nhạt, mọi người hờ hững, không quan tâm lấy nhau, thậm chí còn phải chứng kiến cảnh xung đột, bạo lực gia đình sẽ hình thành trong tâm hồn trẻ những cảm xúc âm tính, nhìn đâu cũng thấy u sầu, buồn chán. Bầu không khí và mối quan hệ ở lớp học - môi trường sống thứ hai mà trẻ đang trải qua cũng ảnh hưởng không ít đối với trẻ.

Khả năng kiềm chế và kiểm soát cảm xúc của của trẻ còn non nớt khiến trẻ dễ bị xao động, lôi cuốn theo những rung động của các nhóm bạn mà trẻ chơi cùng. Cha mẹ cần thường xuyên tâm sự nhỏ to với con để nắm bắt tâm trạng nhằm định hướng cho con kịp thời khi con “chới với”.

images1029504_gia_dinh.jpg
Để thổi vào tâm hồn trẻ những điều tích cực, cha mẹ nên chú ý “làm mới” những hoạt động quen thuộc ở nhà - Ảnh minh họa

 

Cảm xúc dễ bị thích ứng. Sống trong gia đình dù muốn hay không thì các hoạt động vẫn cứ diễn ra lặp đi lặp lại mỗi ngày. Tất cả những điều đó sẽ không tránh khỏi sự tẻ nhạt, nhàm chán. Vì thế, cảm xúc tích cực như quan tâm, chia sẻ lẫn nhau giữa các thành viên có xu hướng suy yếu đến chai sạn, chỉ còn mang tính hình thức đến mức khách sáo. Sợi dây ràng buộc giữa các thành viên càng mơ hồ trong mắt trẻ. Chính cách đối xử hờ hững giữa các thành viên vô tình “thui chột” những rung cảm tích cực của trẻ vốn đang mờ nhạt và mong manh. Mặt khác, sự thân thiết giữa các thành viên cũng khiến mọi người thường xuề xòa hơn trong ứng xử.

Điều này rất dễ gây ức chế cho trẻ - đối tượng thường “cả thèm chóng chán” luôn thích sự mới mẻ. Do đó, để thổi vào tâm hồn trẻ những điều tích cực, cha mẹ nên chú ý “làm mới” những hoạt động quen thuộc ở nhà. Cả tuần ăn tối ở nhà thì thứ bảy hoặc chủ nhật nên đưa cả nhà vi vu bên ngoài; hoặc bình thường mẹ và con gái làm nội trợ thì một ngày nào đó trong tuần ba và con trai trổ tài nấu nướng. Thay vì mỗi người ôm một cái điện thoại hay ti vi vào giờ rảnh, thì bây giờ cả nhà cùng nhau làm vườn hay cùng nhau dọn dẹp nhà cửa…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm