4 chiêu 'chặn đứng' thói hay cãi của trẻ

01/08/2016 - 09:27
Khi trẻ bướng bỉnh, không chịu nghe lời, bố mẹ tức giận hoặc trách phạt có thể không mang lại kết quả tốt đẹp, thậm chí gây nên hậu quả xấu.
tre-cai-loi-3.jpg

Các bậc phụ huynh thường khó có thể chấp nhận con cái cãi lại mình. Nguyên do phần lớn là do cách nói của con chưa thích đáng, khiến bố mẹ cảm thấy trẻ đang “thách thức” quyền làm cha mẹ của mình. Đối với bố mẹ, cãi lại tuy chỉ là tranh luận bằng lời nói nhưng lại cho thấy dấu hiệu nổi loạn của trẻ, mà điều này hầu như các bậc phụ huynh ở phương Đông đều không hài lòng.

Do ảnh hưởng của quan niệm truyền thống lâu đời về việc con cái không được phép cãi lời cha mẹ, chúng ta thường khó xử lý sự việc một cách lý trí, càng không dễ giữ bình tĩnh để suy xét nguyên nhân trẻ cãi lời mình. Tuy nhiên, đôi khi trẻ cãi lời lại không nghiêm trọng như các bậc phụ huynh nghĩ.

Thông thường trẻ cãi lại bố mẹ có hai trường hợp: Thứ nhất là trẻ có ý chống đối, cũng có thể hiểu là nổi loạn khi bố mẹ thay trẻ quyết định mọi việc trong cuộc sống, không cho trẻ cơ hội lựa chọn theo ý mình. Thứ hai là trẻ không cố ý cãi lời, chỉ là do trẻ bắt đầu có cách nghĩ của riêng mình, đối với một số sự việc mà trẻ có suy nghĩ khác bố mẹ, trẻ sẽ bộc lộ quan điểm của mình, tuy nhiên lại chưa biết cách biểu đạt ôn hòa.

Do đó chỉ cần bố mẹ hiểu được tâm lý và dạy trẻ thái độ đúng đắn là có thể giải quyết một cách linh hoạt và hợp lý chuyện con cái cãi lời mình.

tre-cai-loi-2.jpg

Giúp trẻ sửa thói quen cãi lại lời bố mẹ

Đối xử công bằng

Áp đặt trẻ cách nghĩ và buộc trẻ làm theo ý muốn của bố mẹ là điều không công bằng, bởi trẻ cũng có suy nghĩ và ý muốn của riêng mình. Bố mẹ càng tỏ ra cứng rắn thì con sẽ càng bướng bỉnh, cho dù sau đó trẻ nghe lời thì trong lòng vẫn không phục. Bố mẹ đôi lúc cần bỏ đi quyền hạn của mình để đối xử với con như một cá thể độc lập có cá tính cũng như suy nghĩ riêng. Khi con cãi lời bố mẹ hãy bình tĩnh suy nghĩ nguyên nhân trẻ nói ra những lời ấy, lởi con nói liệu có lý hay không. Chỉ cần kiên nhẫn một chút bố mẹ sẽ hiểu được nội tâm của trẻ, để trẻ được phát triển một cách tự nhiên, không bị gò bó bởi sự áp đặt của người lớn.

Trực tiếp nói ra cảm nhận của mình

Tuy rằng trẻ biểu đạt suy nghĩ của bản thân là điều không sai, nhưng cãi lời lại trở thành hành động vô lễ, nếu không kịp thời sửa chữa trẻ sẽ lặp lại thói quen này ở những nơi công cộng, ảnh hưởng đến quan hệ xã hội của trẻ. Do vậy khi gặp trường hợp con cãi lại mình, bố mẹ cần nói rõ với trẻ: Bố mẹ không thích con nói lớn tiếng như vậy, con có thể nói chậm lại, cho bố mẹ biết sao con lại có suy nghĩ đó. Trong khi nói bố mẹ cần tỏ thái độ nghiêm túc, kiên định, để trẻ hiểu không phải bố mẹ nói đùa, và để trẻ học được cách biểu đạt hợp lý ý kiến của mình.

Đôi bên cùng bình tĩnh

Ngoài việc để trẻ biết được cãi lại bố mẹ là không lễ độ, phụ huynh cũng cần để trẻ biết cách kiểm soát cảm xúc của mình. Khi trẻ tỏ ra tức giận, cãi lại vô cùng kịch liệt, bố mẹ cần giữ bình tĩnh cho cả mình lẫn con, không nên giận dữ theo mà gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bạn có thể nói với con rằng: “Bố mẹ biết bây giờ con đang tức giận, vấn đề này chúng ta có thể nói lại sau”. Lâu dần trẻ cũng sẽ học được cách đối phó này trong các cuộc xung đột.

Cho trẻ quyền lựa chọn

Ở trong môi trường gò bó dễ khiến trẻ trở thành con người nổi loạn, và cãi lời chính là biểu hiện đầu tiên thể hiện sự phản kháng. Đối với trường hợp này, trẻ cãi lại không chỉ hướng vào sự việc đang nói đến, mà muốn trút bỏ những dồn nén trong thời gian dài. Đối với những việc nhỏ trong cuộc sống bố mẹ nên cho trẻ quyền quyết định, chỉ cần trẻ không có hành vi sai hoặc vi phạm nguyên tắc là được.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm