pnvnonline@phunuvietnam.vn
"4 cùng" với phụ nữ vùng biên đẩy lùi hủ tục
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh trong một hoạt động hỗ trợ trẻ em vùng biên
Thu hút phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội
Năm 2018, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh viết đơn tình nguyện lên công tác ở địa bàn biên giới, với vị trí là nhân viên Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Môn Sơn. Đầu năm 2024, chị chuyển công tác về Đồn Biên phòng Tam Hợp (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An).
Chị chia sẻ: "Môn Sơn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Kinh và tộc người Đan Lai. Thời điểm mới lên biên giới bám địa bàn cùng đồng đội, tôi thấy bà con ở biên giới huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số còn thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc bản thân và gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn khá phổ biến".
Còn tại Tam Hợp, nơi có đông đồng bào Mông sinh sống thì địa hình đồi núi đi lại khó khăn, nương rẫy chủ yếu là sỏi đá, để trồng cây lương thực hiệu quả là "bài toán" khó. Trong khi đa số phụ nữ Mông ở đây không biết tiếng phổ thông, khiến công tác tuyên truyền, vận động bà con xoá bỏ tập tục lạc hậu, đưa khoa học-kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt không đơn giản.
Trước thực trạng trên, chị và các đồng đội rất trăn trở tìm cách giúp chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
"Chúng tôi phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương đến từng gia đình vận động để hỗ trợ chị em phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội thông qua các câu lạc bộ như: "Phụ nữ với pháp luật", "Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới", "Chống tảo hôn", "Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới" tại xã Môn Sơn và xã Tam Hợp, để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng của phụ nữ trong phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình, con cái.
Nhờ đó, tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, bỏ học giữa chừng của trẻ em gái đã giảm đáng kể", chị Trần Thanh cho biết.
"Cầm tay chỉ việc" cho chị em
Với vấn đề xoá đói giảm nghèo, Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Hợp (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) xác định "cầm tay chỉ việc" cho người dân, phụ nữ về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn bà con thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để đạt năng suất cao hơn.
"Bản thân tôi mỗi ngày đều nghiên cứu thêm tài liệu, sách, báo để bổ sung kiến thức, từ đó hướng dẫn chị em phụ nữ được hiệu quả hơn", Trung tá Trần Thanh nhớ lại.
Dưới sự chỉ đạo của Đồn Biên phòng Môn Sơn, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng đã đóng góp, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ để tạo nguồn vốn hỗ trợ cây, con giống cho người dân.
Từ đây, nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế đã ra đời như: "Chia sẻ 50/50", "Nuôi lợn nái đen giống địa phương", "Nuôi bò sinh sản"…
Theo Trung tá Trần Thanh, trong quá trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chị và các đồng đội thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ, hướng dẫn chị em sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, phát triển sinh kế hiệu quả, ký cam kết chia sẻ với gia đình khác sau khi con giống sinh sản…
Một số gia đình phụ nữ nghèo đã được vay vốn từ nguồn "Vốn cây trồng, vật nuôi" của đơn vị và địa phương, trị giá 100 triệu đồng. Đến nay, các gia đình này đều có thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm, từ bán rau, ngô, thương phẩm từ chăn nuôi tại gia đình. Các mô hình hiệu quả tiếp tục được đơn vị nhân rộng.
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh, cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Hợp (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An), là một trong những điển hình tiêu biểu của phong trào "Thi đua Quyết thắng" vừa được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tuyên dương vì đã giúp phụ nữ, trẻ em ở biên giới xoá bỏ hủ tục lạc hậu.