pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thừa Thiên Huế: Từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Đông
Hoạt động xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu tại huyện Nam Đông.
Nam Đông là một huyện miền núi thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn huyện có 10 xã và 1 thị trấn; với 5.935 hộ và 25.729 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 45% dân số toàn huyện.
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Đông chủ yếu là dân tộc Cơ Tu và một số ít các dân tộc khác như Tà Ôi, Pa Cô, Vân kiều... sống tập trung tại các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Sơn, Thượng Lộ và Hương Phú.
Mỗi dân tộc đều có đời sống văn hóa, phong tục, tập quán mang những nét độc đáo, đặc sắc rất riêng. Tuy nhiên, những phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại dai dẳng và thậm chí đang âm thầm phát triển, trở thành những hủ tục cản trở đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do quan niệm, nhận thức của đồng bào chưa phân biệt được đâu là những phong tục, tập quán không còn phù hợp, đâu là những phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc cần bảo tồn và phát huy.
Bà Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đông, cho biết, giải pháp trọng tâm đầu tiên để xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Đông là: nhận diện, xác định các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ.
Các buổi truyền thông về việc xóa bỏ phong tục lạc hậu thu hút đông đảo người tham gia.
"Đây là vấn đề nhạy cảm trong đời sống của cộng đồng, là một phạm trù văn hóa liên quan đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng. Không thể giải quyết chỉ bằng các giải pháp từ góc độ hành chính hay pháp luật, mà thực chất cần phải làm thay đổi căn bản nhận thức của cộng đồng. Từ đó chuyển hóa thành hành vi và trở thành hành động. Khi đó mới thực sự bài trừ hủ tục ra khỏi đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng", bà Loan cho hay.
Cũng theo bà Loan, trước đây, tại địa phương vẫn còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu như: Tục mời thầy cúng, thầy mo về để chữa bệnh; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tình trạng trọng nam, khinh nữ; đám ma tổ chức nhiều ngày; em dâu, con dâu không được ngồi ăn cơm chung mâm với anh chồng, bố chồng hoặc được ăn cơm chung mâm nhưng không được ngồi ghế… tình trạng uống rượu, hút thuốc triền miên dẫn đến sức khỏe suy yếu, ảnh hưởng sức lao động, đói nghèo dai dẳng, kém phát triển.
Tuy nhiên, từ khi Dự án 8 được triển khai tại địa phương, các phong tục, tập quán lạc hậu đã dần được xóa bỏ. Theo thống kê của huyện Nam Đông, từ năm 2010 cho tới nay, toàn huyện không còn trường hợp kết hôn cận huyết nào, tình trạng tảo hôn vẫn còn, nhưng đã giảm dần theo từng năm.
Theo bà Loan, những năm qua các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, các lớp tuyên truyền về Bình đẳng giới, thu hút được sự quan tâm rất đông đảo người dân. Tại các buổi tập huấn, các cán bộ hội viên phụ nữ đã tuyên truyền giải thích cho những người tham gia về các phong tục, tập quán không phù hợp với đời sống hiện đại.
Ví dụ như trước đây, đồng bào dân tộc Cơ Tu trên địa bàn, gia đình nào có người thân qua đời, họ thường mổ trâu, mổ bò và tổ chức ăn uống linh đình trong nhiều ngày. Nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, phải đi vay trâu, vay bò về để tổ chức cho người thân cuộc sống vốn đã nghèo nay còn khó khăn hơn gấp bội. Hoặc có những gia đình thuộc diện trung bình, sau khi có người thân qua đời cũng lâm cảnh nợ nần sau khi tổ chức đám tang cho người thân.
"Nhờ công tác tuyên truyền của các cấp Hội LHPN mà những năm qua, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Đông đã thay đổi rất nhiều, mỗi khi ốm đau thì họ đi bệnh viện, chứ không mời thầy cúng về chữa bệnh như trước đây nữa. Đám ma cũng được tổ chức nhanh gọn, không mổ trâu, mổ bò nữa, kéo dài nhiều ngày nữa", bà Loan cho hay.
Theo bà Loan, để có được kết quả như ngày nay, không phải ngày một ngày hai mà có được mà đó là cả quá trình dài.