pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tích cực gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi hủ tục lạc hậu
Đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu ra khỏi cộng đồng
Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã đạt nhiều kết quả. Hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách con người. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được địa phương từng bước quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đổi mới phương thức hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được phát huy, nhân rộng, góp phần vào việc phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bộ VHTTDL đã có nhiều kiến nghị, chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung, giải pháp gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi hủ tục lạc hậu.
Cụ thể là việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quy định tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030.
Từ đó ban hành cơ chế, chính sách về xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, đặc biệt là các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, khu vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa - thể thao trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách đặc thù định mức hoạt động, mức chi đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền lưu động thuộc thẩm quyền của địa phương theo quy định.
Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng
Đặc biệt là việc sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, khắc phục tình trạng thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng chưa được sử dụng để tổ chức hoạt động hoặc chưa phát huy hết công năng sử dụng hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân.
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được chú trọng. Các địa phương cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật nhằm tổ chức lễ hội trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân và du khách trong việc thực hiện các quy định, quy chế về tổ chức lễ hội; không đốt đồ mã, vàng mã gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường và công tác phòng, chống cháy nổ.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.
Cho đến nay, nhiều địa phương ở vùng sâu vùng xa đã có những chuyển biến tích cực, điển hình như tỉnh Hà Giang. Để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, Hà Giang đã hình thành và phát triển mô hình hoạt động Hội Nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh, khẳng định đây là cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 188 hội với 8.812 hội viên tham gia. Các hội viên là những thầy mo, thầy cúng, người có uy tín; tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: Tín ngưỡng dân gian; phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian; truyền dạy và làm nghề truyền thống.
Từ những mô hình thiết thực đó đã góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu bằng những giá trị nội lực tại cộng đồng, khiến người dân tin tưởng và thực hiện hiệu quả.
Ông Nguyễn Huy Sắc, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, chia sẻ: Để đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ở địa phương, huyện Mèo Vạc đã chú trọng đến Hội Nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện làm nhân tố tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, như: Làm ma dài ngày, thách cưới cao, hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn, sinh con thứ ba… Đặc biệt, các hội viên vận động người dân thực hiện tốt các hương ước, quy ước của thôn bản; phát huy, gìn giữ nét đặc sắc văn hóa dân gian của từng dân tộc, địa phương, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Nghề thủ công truyền thống được bảo tồn và phát huy đem lại nguồn thu nhập từ sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch
Nhiều địa phương đã phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bằng việc sáng tạo các sản phẩm du lịch, từ đó đem lại giá trị kinh tế cho người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, cho biết: “Với các địa bàn phát triển du lịch, các giá trị văn hóa truyền thống như phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, nghề thủ công truyền thống…, không những được bảo tồn, gìn giữ mà còn được phát huy bằng cách sáng tạo ra các sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương được du khách yêu thích. Từ đó thúc đẩy người dân đồng tình, tích cực tham gia vừa thỏa mãn giá trị tinh thần cho cộng đồng, đồng thời cũng đem lại việc làm và thu nhập cho các hộ gia đình”.