pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 dấu hiệu con bị trầm cảm cha mẹ cần tinh ý nhận ra kịp thời
Ảnh minh họa
Báo động ngày càng nhiều trẻ có hành vi tự tử trong thời gian gần đây
Sức khỏe tâm thần trẻ em là một trong những vấn đề hiện nay chưa thực sự được quan tâm đúng mực. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO định nghĩa "sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật" thì dường như cha mẹ đang hiểu chưa đúng và đủ.
Điều đó có nghĩa là, một đứa trẻ hạnh phúc đòi hỏi phải khỏe mạnh về thể chất, hạnh phúc vui vẻ về tinh thần. Nếu con bạn thường xuyên buồn bã, cáu giận, bạn cần quan tâm ngay để tránh dẫn đến trầm cảm.
Các nghiên cứu y học ban đầu tập trung vào chứng trầm cảm "được che giấu", nơi tâm trạng chán nản của trẻ được chứng minh bằng hành động bộc phát hoặc hành vi tức giận. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, nhiều trẻ em có biểu hiện buồn bã tương tự như người lớn bị trầm cảm. Các triệu chứng chính của trầm cảm xoay quanh nỗi buồn, cảm giác vô vọng và thường xuyên thay đổi tâm trạng.
Gần đây, thông tin nam sinh 14 tuổi uống 40 viên thuốc Paracetamol tự tử vì buồn bã chính là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ. Nhiều người làm cha làm mẹ một lần nữa được cảnh tỉnh về vấn đề trầm cảm ở trẻ em.
Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các em phải hạn chế ra ngoài, học online kéo dài... có thể dẫn đến những hành động bộc phát, tiêu cực. Thậm chí có hành vi tự sát rất đáng quan ngại.
4 cách nhận biết con bị trầm cảm, cha mẹ cần can thiệp kịp thời
PGS.TS. Trần Thu Hương (giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, trẻ bị trầm cảm đầu tiên là do chính bản thân các em. Ví dụ trẻ có hệ thần kinh yếu thì khi có áp lực từ bên ngoài hoặc khi có căng thẳng từ môi trường, con sẽ trở nên lo lắng, mất bình tĩnh.
Bên cạnh đó còn là do môi trường. Đó có thể là môi trường sống trong gia đình, cũng có thể là môi trường học hành, mối quan hệ thầy cô, bạn bè... Trẻ có thể bị áp lực về thi cử, học tập, dịch bệnh, sự mất mát của người thân, hoặc đơn giản là mất mát đồ vật mình yêu quý.
Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần nhận biết kịp thời để có hướng xử lý đúng đắn, tránh để khi phát hiện thì chuyện đã muộn. Có 4 cách nhận biết con bị trầm cảm, cha mẹ cần can thiệp ngay là:
- Cảm xúc của trẻ sẽ được bộc lộ ra đầu tiên. Đó là những cơn giận dữ, những cơn khó chịu, tức giận vô lý.
- Trẻ sẽ rơi vào trạng thái trầm buồn như buồn bã, khóc liên tục, rút lui khỏi xã hội, không muốn giao tiếp và kết nối ngay cả với những người bạn thân.
- Rối loạn giấc ngủ, thường sẽ khó ngủ.
- Dễ mất cảm giác thèm ăn, từ chối ăn.
Khi phát hiện con mình có những dấu hiệu này, cha mẹ không nên chủ quan. Hãy đặt mình vào vị trí của con, lắng nghe cảm xúc và quan điểm của con để hiểu nhiều hơn. Đồng thời phát hiện những dấu hiệu bất thường từ con.
Việc cha mẹ thiếu quan tâm con sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, nhiều người đồng hành cùng con nhưng lại kiểm soát con chặt chẽ thì cũng không nên. Điều này khiến con thêm áp lực về tinh thần. Trẻ càng khó chia sẻ vì nghĩ bố mẹ không thấu hiểu cho mình. Nhất là với trẻ đang ở giai đoạn dậy thì, trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Bạn cũng có thể đặt lịch khám với bác sĩ nếu tình trạng này không chấm dứt. Bác sĩ sẽ dành thời gian nói chuyện với bạn và con bạn. Họ sẽ kiểm tra sâu về chứng trầm cảm bằng cách đặt câu hỏi và lắng nghe. Chuyên gia có thể giải thích cách trị liệu tốt nhất cho con của bạn.