Chị Hoàng Lê Hoa (Q.Đống Đa, Hà Nội) lo lắng khi cậu con trai từ bé đến giờ lúc nào cũng... làng nhàng, từ việc học đến tính cách. Con học không giỏi, chỉ ở mức khá. Không ít lần chị hỏi về ước mơ, về công việc yêu thích của con sau này, con đều lắc đầu không biết. Con sống an phận, không có chí tiến thủ, chẳng chịu phấn đấu hay nỗ lực gì. Ngoài việc học, con cũng không có những khả năng khác nổi trội, không nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa. Chị Lê Hoa lo ngại, với sự mờ nhạt, làng nhàng, sau này con sẽ khó mà thành công được khi kinh tế gia đình chị cũng chỉ ở mức trung bình. Chị không biết giáo dục con như thế nào để sau này con không gặp khó khăn khi ra ngoài xã hội.
Theo chị Nguyễn Thanh Hải, tác giả cuốn sách Dạy con tuổi teen dễ ợt, với những đứa con làng nhàng, lại sống trong gia đình cũng... làng nhàng thì khó tạo được động lực vượt khó trong con hoặc khó cho con điều kiện sống và học tập cực tốt, để từ đó có “lực ủn” hoặc “lực kéo”, giúp con có một tương lai tươi sáng. Ngoài ra, trong những gia đình mà bố mẹ không xuất sắc, kinh tế không tốt thì cha mẹ khó có tầm nhìn cho con hoặc giúp con có một sự lựa chọn tốt.
Từ phân tích của mình, chị Nguyễn Thanh Hải cho rằng, trong trường hợp này, cha mẹ có thể tham khảo những giải pháp sau:
1. Xác định rõ mục tiêu cho con và có lộ trình cụ thể
Cha mẹ cần căn cứ vào đặc điểm tính cách, khả năng, ưu nhược điểm của con để từ đó lên "lộ trình" cho con. Ví dụ, đến THCS, căn cứ vào học lực của con, cha mẹ sẽ xác định cho con thi vào trường THPT nào, trường chuyên hay trường công lập top đầu hay top 2? Nếu con có khả năng, cha mẹ nên tìm ngay giáo viên giỏi để đến cuối lớp 8 có thể cho con đi học thêm. Đừng để muộn quá mới cho con đi học, lúc đó con không theo kịp và mất cơ hội cho con.
Ngoài ra, cũng cần tránh thái cực như “con cần thực hiện tiếp ước mơ dang dở của bố mẹ" hay "Ừ thì tao nghèo hơn mày nhưng con tao sẽ giỏi hơn con mày" vì như vậy sẽ rất tạo áp lực cho con, dẫn đến phản tác dụng.
2 . Trang bị kỹ năng sống
Đừng quá quan trọng điểm số vì không phải con nào cũng có khả năng học giỏi . Thực tế cho thấy không phải cứ giỏi là thành công, mà muốn thành công cần phải có kỹ năng sống tốt.
3. Dạy con những phẩm chất tốt đẹp
Có lần, cậu con trai láu cá của tôi bảo rằng: "Mẹ rửa bát cho con đi. Trong lúc đó con có thể tranh thủ làm được mấy bài Toán nâng cao đấy". Tôi tỉnh bơ như không và nói: "Mẹ cần con nên người trước khi trở thành 1 người giỏi giang bởi lẽ, nếu con biết suy nghĩ thì thậm chí khi vào đời rồi, con sẽ tự biết mình thiếu kiến thức gì để tự học, còn nếu con có nhân cách méo mó, ích kỷ thì học giỏi cũng chẳng để làm gì. Mẹ cần con biết yêu thương gia đình, chăm chỉ lao động trước khi con giỏi Toán". Thế là cậu ta im và lặng lẽ đi rửa bát.
4. Giúp con sống có mục đích, động lực, tầm nhìn
Đó chính là những yếu tố giúp con có thể thoát khỏi tâm lý "an phận" (nếu có), khơi gợi sức mạnh nội lực trong con.
Ngoài ra, chị Nguyễn Thanh Hải cũng lưu ý, trong trường hợp này, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Cha mẹ phải là người sống tích cực, giúp con có ý chí, động lực, mục tiêu, có lộ trình cho con phù hợp với khả năng của con. Cha mẹ nên là “người tiêu dùng thông minh” trong “thị trường học tập”. Dù chăm con nhưng không quên luôn nâng cấp bản thân về tri thức, duy trì và mở rộng các mối quan hệ xã hội.