pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 điều cha mẹ càng lười, con càng phát triển
Ảnh minh họa
Một nhà giáo dục nổi tiếng Trung Quốc cho biết: "Việc gì trẻ có thể tự làm, hãy để trẻ tự làm. Một người mẹ tốt và một người cha tốt không phải là người làm tất cả mọi thứ thay con mình". Câu nói giúp nhiều cha mẹ có góc nhìn khác về phương pháp nuôi dạy con. Đôi khi, cha mẹ cần "lười" một chút để nuôi dưỡng tính tự lập, tự giác cho những đứa con.
Khi con đến tuổi đi học, người mẹ càng thấy bản thân mang trách nhiệm nặng hơn. Lúc này, mẹ luôn trong trạng thái lo âu, tất bật chăm sóc con từng ly từng tý. Mỗi ngày, mẹ phải gọi con dậy vào sáng sớm, nấu đồ ăn sáng rồi đưa con đi học. Buổi chiều lại tất tả đón con về, chuẩn bị cơm nước, kèm con học rồi làm việc nhà đến đêm muộn.
Nhưng những đứa trẻ thường không thấy sự bận rộn của người mẹ. Nhiều trẻ không ngoan ngoãn, học hành sa sút và chẳng hề mảy may quan tâm đến cảm xúc của mẹ. Nguyên nhân sâu xa từ chính những hành động ngày thường của mẹ. Vì mẹ làm việc siêng năng đã làm sức ì của con tăng lên. Dần dần, con trở nên thiếu trách nhiệm, không có ý thức, mục tiêu học tập không rõ ràng. Nếu không thay đổi, khi lớn lên trẻ sẽ ỷ lại vào người khác.
1. Lười đưa con đến trường
Có một bà mẹ đã chia sẻ câu chuyện của mình như sau: Dù nhiều bậc phụ huynh khác tất bật đưa con đến trường nhưng cô thì không. Cô để con tự đạp xe đi học vì nhà chỉ cách trường 1km. Quãng đường cũng vắng vẻ, không có nhiều xe lớn di chuyển nên cô rất yên tâm.
Điều này giúp con cô phải tự chuẩn bị mọi thứ để đi học đúng giờ. Nếu đêm hôm trước cậu bé ngủ muộn, tất nhiên sáng hôm sau sẽ đi học muộn. Nhiều lần cậu hớt hải nhờ mẹ chở đi nhưng cô đã thẳng thừng từ chối. Cô nói mình còn bận đi giao hàng, không có thời gian đưa con đi học và con phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành việc đi học muộn của mình. Nghe mẹ nói vậy, cậu bé rất buồn bực nhưng không còn cách nào khác ngoài việc phải đạp xe thật nhanh đến trường.
Lần sau, cậu bé không bao giờ dám đi học muộn nữa. Cậu luôn cố gắng làm xong bài tập để đi ngủ sớm, cũng không dám thức khuya chơi game. Cậu chuẩn bị sách vở và lên giường lúc 9 giờ tối. Cách dạy con của bà mẹ thật hay, vừa giúp con hình thành thói quen làm việc và nghỉ ngơi khoa học, vừa giúp con tự giác trong công việc của mình.
2. Lười kiểm tra bài vở của con
Tiểu Mai (Trung Quốc) có con đang học lớp 3 tại một trường tiểu học gần nhà. Hàng ngày, cô chỉ nhắc nhở con làm bài tập và báo cáo lại khi đã hoàn thành. Có một lần, con trai cô thắc mắc: "Mẹ của các bạn khác đều cùng con làm bài tập vào buổi tối. Tại sao mẹ lại không kèm con như vậy?".
Nghe con nói, Tiểu Mai chỉ bật cười, ôn tồn giải thích: "Không phải là mẹ lười đâu. Con thử nghĩ xem, nếu mẹ kiểm tra con suốt ngày thì con có tự giác làm bài tập, chỉn chu việc học không? Mẹ chỉ xác nhận là con đã hoàn thành bài chưa, còn quá trình thực hiện là việc của con. Con phải tự chịu trách nhiệm việc học của mình".
Tiểu Mai chỉ hướng dẫn con làm những bài tập khó bằng phương pháp gợi ý, tuyệt đối không làm hộ con. Chẳng hạn như con vướng mắc bài tập tiếng Anh, cô gợi ý để cho con tra từ điển. Hay khi con không giải được bài toán khó, cô sẽ đưa ra phương pháp. Con trai cô phải chủ động tra từ điển, tìm công thức để hoàn thành bài tập.
Sau một thời gian, con trai Tiểu Mai học tập tiến bộ vượt bậc. Cậu bé nâng cao được tư duy, cải thiện được kỹ năng làm bài và luôn ham học hỏi điều mới lạ. Cách dạy con của Tiểu Mai là: khi kèm con học, đừng quá hướng dẫn chi tiết mà hãy để con tự khám phá và thực hành. Mẹ chỉ hỗ trợ khi con gặp khó khăn thật sự.
3. Lười cằn nhằn con
Một số phụ huynh luôn giám sát, đốc thúc mọi việc của con. Nhưng nếu trẻ nghe nhiều thì sẽ trở nên chai sạn, lời nói không còn tác dụng nữa.
Thấy con chơi game rất lâu, nhiều mẹ thường cằn nhằn: "Con định chơi đến mấy giờ nữa? Bao giờ kết thúc? Con đã làm bài tập cô giao chưa?". Thay vì cằn nhằn, mẹ hãy giao hẹn cho con ngay lúc đầu, chẳng hạn như: "Con được chơi game trong 30 phút rồi phải làm bài tập. Nếu con chơi quá thời gian quy định thì lần sau sẽ chỉ được chơi trong 15 phút".
Nghe mẹ nói vậy, chắc chắn trẻ sẽ phải cài giờ để nhắc nhở bản thân không được chơi điện tử quá thời gian quy định. Mẹ hãy lặng lẽ quan sát xem con thực hiện đúng không nhé! Ai cũng cho rằng chơi game không tốt nhưng mẹ hoàn toàn có thể biến lợi thành hại. Hãy thông qua trò chơi điện tử để dạy con biết kiểm soát cảm xúc, kiềm chế ham muốn, duy trì ý chí nghị lực. Đây đều là những tích cách quan trọng mà trẻ cần rèn luyện.
Giáo dục siêng năng chưa chắc đã hiệu quả, nó còn phụ thuộc vào nhiều khía cạnh. Việc siêng năng cằn nhằn, tranh luận thường mang hiệu quả không cao. Nếu siêng năng tìm cách giải quyết sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt trong học tập và trong cuộc sống.
4. Lười biếng trước mọi việc của con
Mẹ hãy "lười" trước mọi việc của con nhé. Chẳng hạn như để con thấy phòng bẩn thì tự quét dọn, thấy sắp thi thì phải tự ôn luyện bài vở, sắp vào năm học mới thì phải tự bọc và dán nhãn sách vở,… Đó đều là những việc đơn giản mà con có thể tự làm, không cần giúp đỡ.
Chẳng hạn việc một đứa trẻ lớp 1 phải tự bọc và dán nhãn sách vở. Ban đầu có thể bọc xấu, vỏ bọc bị xô lệch, dán nhãn không thẳng nhưng hãy cứ để kệ con. Con sẽ phải làm đi làm lại nhiều lần để trông mọi thứ thật đẹp mắt. Làm lần 1 không được, con sẽ làm lần 2, lần 3 và sau mỗi lần sẽ đẹp hơn rất nhiều. Nếu mẹ giúp con thì sẽ nhanh chóng, không mất nhiều thời gian nhưng con không bao giờ học được cách bọc bìa sách.
Khi mẹ giúp con làm những việc đơn giản, con thường có xu hướng thụ động, ỷ lại, tinh thần trách nhiệm không cao bởi luôn được làm sẵn. Vì thế, mẹ cần "lười" một chút để tạo thói quen học tập và sinh hoạt cho con. Điều này giúp con hình thành được tính chủ động, sáng tạo, có thể xoay sở trước mọi việc.