pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 lĩnh vực ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc bứt phá để phát triển
Ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của tỉnh
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2004 đánh dấu năm đầu tiên thành lập Sở TT&TT với chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực gồm: Báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở.
Đến nay, trải qua 16 năm không ngừng phấn đấu, xây dựng và phát triển, Sở TT&TT Vĩnh Phúc ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh và cuộc sống của người dân.
Với chức năng quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, những năm qua, Sở TT&TT đã tích cực, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin, doanh nghiệp in - phát hành, các cơ quan báo chí, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc năng động, sáng tạo, đổi mới, hội nhập, phát triển.
Sở cũng đã ban hành và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, số hóa truyền hình… nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy ngành TT&TT phát triển, đồng thời xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh, vướng mắc.
Trong công tác quản lý Nhà nước về bưu chính - viễn thông, Sở TT &TT đã thể hiện rõ vai trò là người trọng tài, vừa quản lý chặt chẽ vừa điều phối, khuyến khích các doanh nghiệp cùng phát triển. Đến nay, hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông của tỉnh không ngừng phát triển và được phủ sóng rộng khắp với 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, 169 bưu cục, điểm phục vụ, số dân phục vụ bình quân 7.000 người/điểm, mật độ điện thoại đạt 90 máy/100 dân.
Việc cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đã góp phần mang lại cho người dân nhiều thuận lợi, giúp tiết kiệm thời gian, chí phí đi lại, bảo đảm tính công khai, minh bạch và giảm bớt áp lực đối với các cơ quan hành chính địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã nỗ lực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, an toàn, có dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông với chất lượng tốt, giá cước hợp lý trên cơ sở cạnh tranh đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng dịch vụ; bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin cho các hoạt động ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin, nhất là trong việc thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử của tỉnh.
Với công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, ngành TT&TT Vĩnh Phúc đã và đang triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Cùng với làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh về các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là việc khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý và điều hành văn bản, sử dụng chữ ký số, ngành đã chỉ đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện chỉ số tính minh bạch - chỉ số thành phần quan trọng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thông qua việc đẩy mạnh việc công khai các thủ tục hành chính, thông tin về thủ tục đầu tư, quy hoạch, định hướng phát triển phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực trên Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, khai thác đầy đủ, hiệu quả các phần mềm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.
Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử (ICT Index) năm 2019 tại các sở, ban, ngành, điểm trung bình là 45,212 điểm, tăng 4,556 điểm so với điểm trung bình năm 2018.
Hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản luôn thể hiện được vai trò chủ đạo trong công tác thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo sự đồng thuận trong xã hội; tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh con người và văn hóa Vĩnh Phúc đến bạn bè trong nước và quốc tế, tạo được niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, tạo dòng chảy chính trong định hướng dư luận, góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Những năm gần đây, hệ thống báo chí, truyền thông ở tỉnh đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, đúng định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh, kịp thời, đầy đủ, toàn diện về mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật, quan trọng của tỉnh, của các địa phương, đơn vị; phát hiện, giới thiệu các nhân tố mới, người tốt, việc tốt, đấu tranh phê phán các hiện tượng tiêu cực, góp phần cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng góp sức xây dựng quê hương.
Nửa đầu năm nay, khi Vĩnh Phúc cùng cả nước căng mình chống dịch Covid-19, ngành Thông tin và Truyền thông đã cho thấy vai trò quan trọng khi kịp thời thông tin, tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 tỉnh, mang đến thông tin chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh; đồng thời, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành và phục vụ công tác phòng chống dịch.
Đối với lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử, từ chỗ chưa có doanh nghiệp đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh đã có gần 200 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện điện tử với tổng doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử đã đạt 38.890 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành TT&TT Vĩnh Phúc vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Đó là: Ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu tương tác giữa nội bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; các phần mềm nhỏ lẻ, manh mún, không có sự kết nối chia sẻ, liên thông với cơ quan ngành dọc Trung ương; các hệ thống thông tin phục vụ cải cách hành chính nhằm hỗ trợ người dân triển khai chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng dịch vụ công mức độ 3, 4 của tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia còn ít, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ chưa nhiều. Chưa thực sự chủ động tham mưu, đề xuất tỉnh xây dựng mối quan hệ, hợp tác với hệ thống báo chí của đất nước để báo chí thực sự là lực lượng dẫn đường, đồng hành cùng với tỉnh trong những chủ trương, chính sách lớn. Một số lĩnh vực khác chưa được quản lý toàn diện, thống nhất như: Thông tin đối ngoại, điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin. Việc xây dựng kế hoạch, đánh giá tình hình và dự báo trên địa bàn tỉnh còn bất cập, chưa theo kịp với thực tế phát triển của ngành.
5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung
Bước vào thời kỳ mới, vừa có nhiều thời cơ, vận hội mới song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, ngành TT&TT cần chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển các lĩnh vực của ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực theo chức năng quản lý. Trước mắt, ngành cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Một là, tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBNBD tỉnh ban hành Nghị quyết xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 2.0; Đề án đầu tư hạ tầng thông tin - truyền thông thiết yếu và hệ thống thông tin làm nền tảng chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2020-2025 trên cơ sở Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Đề án xây dựng thành phố thông minh tỉnh Vĩnh Phúc.
- Hai là, tiếp tục phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông theo hướng hiện đại, đồng bộ và đa dạng các loại hình dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp hiệu quả cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất kế hoạch phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông, mạng lưới truyền dẫn, bảo đảm chất lượng đường truyền, tiếp tục mở rộng Internet cáp quang, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp liên quan đến sử dụng các dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển đồng bộ hạ tầng viễn thông.
Đồng thời, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến bó gọn hoặc hạ ngầm cáp viễn thông; phủ sóng Wifi tại các khu đô thị, khu du lịch; quản lý chặt và xử lý mạnh tay tình trạng tin nhắn rác, thuê bao điện thoại quảng cáo vặt gây mất mỹ quan đô thị. Tham mưu, đề xuất cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực hạ tầng bưu chính, bảo đảm bưu chính là nền tảng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bưu chính đạt 30%/năm.
- Ba là, làm tốt chức năng quản lý nhà nước về báo chí, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử; xây dựng mối quan hệ hợp tác, thường xuyên với đội ngũ phóng viên và cơ quan đại diện các Báo Trung ương tại Vĩnh Phúc; thay đổi cách thức, phương thức truyền thông xã hội để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và các hoạt động tương tác, lắng nghe tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người dân. Tham mưu triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo quy hoạch được duyệt. Quản lý hiệu quả, chống in và xuất bản phẩm lậu; có giải pháp cụ thể thúc đẩy văn hóa đọc, phát triển sách điện tử để phổ cập đến người dân, phấn đấu đạt tỷ lệ sách/người dân của Vĩnh Phúc trong tốp đầu cả nước.
- Bốn là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tạo bước đột phá thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, nền tảng tích hợp cho xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Trước mắt, tập trung xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung LGSP để kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng công nghệ thông tin trong tỉnh và kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các Bộ, ngành Trung ương, hướng tới mục tiêu hỗ trợ yêu cầu của người dân, doanh nghiệp với chính quyền.
- Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thực hiện trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử; dần đưa các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 kết nối liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, khai thác triệt để mạng truyền số liệu chuyên dùng, đặc biệt quan tâm đảm bảo an toàn thông tin, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh; xây dựng các ứng dụng dùng chung để hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử trong tương lai gần.