4 lưu ý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam

16/07/2019 - 10:31
Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nguồn lực tài chính nên chưa đủ sức xây dựng thương hiệu của riêng mình; thậm chí không chú ý xây dựng thương hiệu nên hàng hóa vừa yếu thế, bị lép vế và khách hàng quay lưng lại với sản phẩm trong nước sản xuất.

Hiện nay, nước ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế, qua đó mang đến nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh của hàng hóa Việt Nam, đồng thời cũng tạo những áp lực cạnh tranh khốc liệt ngay chính trên sân nhà.

Chuyên gia Trần Việt Dũng, thuộc Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, cho biết: Nhiều đánh giá cho thấy, đến nay xây dựng thương hiệu vẫn là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi vấn đề xây dựng thương hiệu là rất quan trọng vì nó là giấy thông hành trong hoạt động xuất khẩu, hay cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ở ngay thị trường trong nước; mà nó còn là danh tiếng, thương hiệu của quốc gia.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nguồn lực tài chính nên chưa đủ sức xây dựng thương hiệu của riêng mình. Thậm chí, không ít chủ doanh nghiệp vẫn quan niệm xây dựng thương hiệu là tốn kém, lãng phí, nên coi việc này chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn.

Cũng vì thế, theo ông Trần Việt Dũng, tư duy đó khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu thế, bị lép vế và khách hàng quay lưng lại với sản phẩm trong nước sản xuất.

doanh-nghiep-sieu-nho-2.jpg
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa chú ý đến xây dựng thương hiệu, nên sức cạnh tranh yếu, bị lép vế trước hàng ngoại nhập. Ảnh H. Hòa

Để xây dựng và quản trị thương hiệu hiệu quả, ông Trần Việt Dũng đưa ra 4 giải pháp:

Thứ nhất, định hình chiến lược chung xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp nhỏ cần xuất phát từ mục tiêu trước mắt và lâu dài, thương hiệu cần gắn liền với chiến lược sản phẩm, với chiến lược đầu tư và các kế hoạch tài chính. Cần đi từ thương hiệu cá biệt của hàng hoá hoặc ngược lại, đi từ thương hiệu chung của doanh nghiệp đến thương hiệu cá biệt cho từng hàng hoá.

Thứ hai, xây dựng ma trận SWOT, đánh giá tổng quan về DN trước khi đưa ra chính sách xây dựng thương hiệu (ma trận SWOT là viết tắt của Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (nguy cơ) - là công cụ được sử dụng trong việc lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng chiến lược, đánh giá đối thủ cạnh tranh, tiếp thị, phát triển sản phẩm và dịch vụ…).

Thứ ba, đặt tên, tạo biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) theo nguyên tắc dễ phân biệt, không trùng lặp với các tên khác; tên thương hiệu cần ấn tượng, ngắn gọn, đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ, có tính văn hoá và gắn liền với đặc tính hoặc chất lượng hàng hoá... 

Trong đó, tên gọi thương hiệu không nên dài quá 3 từ. đảm bảo được các yếu tố “Khác biệt và gợi cảm”. Nếu tên gọi đi kèm với logo, cũng cần được thiết kế như một logo.

Về slogan: Khi sáng tạo Slogan, nên tính đến các yếu tố là Quy tắc vàng: hướng về khách hàng; Có một mục tiêu nhất định và hướng đến mục tiêu đó; ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc; không phản cảm; nhấn mạnh vào lợi ích sản phẩm…

Thứ tư, xây dựng hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp cần giải quyết được những câu hỏi sau: Sản phẩm/Dịch vụ mà doanh nghiệp đem lại cho khách hàng mục tiêu có điểm gì khác biệt/độc đáo so với sản phẩm cùng loại? Nếu coi thương hiệu doanh nghiệp như một con người, thì tính cách nào có thể trở thành đặc trưng nổi bật?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm