4 mẹ con mất chỗ ở sau bản án ly hôn

19/10/2018 - 13:33
Bị bạo lực trong thời gian dài, bị đánh đuổi khỏi ngôi nhà mà bản thân cũng đóng góp công sức tạo dựng, sau khi ly hôn, người vợ và 3 đứa con nhỏ chính thức mất nhà phải lang thang ở nhờ, ở thuê…

Đánh đuổi vợ, rải truyền đơn khủng bố nhà vợ

Năm 2005, chị Nguyễn Thị Hạnh và anh Nguyễn Văn Vụ sống với nhau như vợ chồng. Năm 2006, anh chị có con chung. Năm 2010, hai người làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Theo trình bày của chị Hạnh, năm 2007, hai người mua lại mảnh đất bằng giấy viết tay. Năm 2011 họ xây dựng nhà trên mảnh đất ở khu Cổng Gạch, thôn Nghĩa Phượng, xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội). Trong quá trình chung sống, hai người nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Anh Vụ nhiều lần đánh đập gây thương tích cho chị, đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà. Cụ thể, một lần anh dùng búa đinh đánh chị gãy chân, một lần dùng đèn học của con đập vào mặt làm chị rách mí mắt.

Những lần bị anh Vụ đánh, đuổi ra khỏi nhà, chị Hạnh phải bế con chạy ra ngoài không nơi trú ẩn, nhiều đêm phải ngủ ngoài cổng. Hàng xóm thương tình cho mẹ con chị tá túc, nhưng anh Vụ tiếp tục xua đuổi khỏi nhà người hàng xóm.

Năm 2015, anh Vụ đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà đưa một người phụ nữ khác là chị Đoàn Thị Quy về nhà mình chung sống như vợ chồng. Thậm chí, khi chị không còn chỗ ở phải quay về nhà bố mẹ đẻ, anh Vụ còn viết “truyền đơn” nói xấu chị Hạnh rồi đem về nơi bố mẹ chị sinh sống để rải. Trong truyền đơn, anh thừa nhận đã dùng búa đinh đánh chị gãy chân. Chị Hạnh đã làm đơn đề nghị chính quyền xử lý, nhưng không hiểu sao mọi việc rơi vào im lặng.

img_1006.JPG
Ngôi nhà cùng mảnh đất là nơi ở cũ của gia đình chị Hạnh, chị cũng đóng góp công sức gây dựng.

 

Năm 2017, anh lại đón mẹ con chị về sống chung và trong thời điểm này chị mang thai đứa con thứ 3, nhưng anh Vụ lại không thừa nhận đó là con mình.

Trong quá trình ly hôn, cán bộ tòa án giải thích với anh Vụ, theo quy định của pháp luật, con sinh ra trong thời ký hôn nhân là con chung của vợ chồng. Nếu anh Vụ không chấp nhận và nghi ngờ không phải con mình, anh có thể làm xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, anh Vụ không chấp nhận với lập luận rằng anh là người bị hại và chị Hạnh mới là người có nghĩa vụ phải đi giám định.

Sau khi bị đánh đuổi khỏi nhà, chị Hạnh làm đơn xin ly hôn. Ngày 28/8/2018, Tòa án Nhân dân huyện Chương Mỹ đưa vụ án ra xét xử.

4 mẹ con thành người vô gia cư sau bản án ly hôn

Tài sản chung của hai người, theo trình bày của chị Hạnh gồm một mảnh đất 180m2 cùng với nhà ở tại khu Cổng Gạch, thôn Nghĩa Phượng, xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội). Đây cũng chính là ngôi nhà mà cả gia đình chị vẫn sinh sống trước khi xin ly hôn. Ngoài ra, chị Hạnh yêu cầu chia tài sản chung là thửa đất nông nghiệp 235m2 tại khu Cổng Gạch, thôn Nghĩa Phượng để chị có đất canh tác.

 Tại Tòa án, anh Vụ bác bỏ yêu cầu chia ba khối tài sản cho chị Hạnh. Với mảnh đất có nhà ở, anh Vụ trình bày một quá trình mua bán rất rắc rối phức tạp mà cuối cùng thực chất mảnh đất đã được bán lại cho anh ruột mình. Tuy nhiên, giấy tờ mua bán cả hai anh em anh Vụ đều không có và nói rằng đã bị thất lạc. 

4mc.JPG
Mẹ con chị Hạnh phải ở nhờ, ở thuê trong nhà của hàng xóm 

 

Với mảnh đất nông nghiệp, anh Vụ lý giải là những giao dịch nói trên bằng tiền riêng của anh không liên quan đến chị Hạnh.

Liên quan đến mảnh đất kèm nhà ở tại khu Cổng Gạch, UBND xã đã cung cấp tài liệu cho HĐXX. Theo đó, về mặt quy hoạch, mảnh đất thuộc diện tích đất nông nghiệp. Hiện không có cá nhân nào có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. UBND xã thừa nhận anh Vụ và chị Hạnh là những người đang sử dụng thực tế.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng mảnh đất đi liền với ngôi nhà là đất nông nghiệp, thuộc quyền quản lý của UBND xã Phụng Châu, nhưng đại diện VKS lại đề nghị tạm giao cho anh Vụ quản lý.

Tương tự như vậy với mảnh đất được coi là tài sản thứ hai, mặc dù được coi là tài sản chung của 2 vợ chồng, nhưng đại diện cơ quan này vẫn đề nghị giao cho anh Vụ quản lý sử dụng với lý do “anh Vụ đã đào ao”. Trên thực tế, hành vi “đào ao” đã bị UBND xã lập biên bản xử lý vì anh Vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.

Tại tòa, HĐXX xác định mảnh đất đi kèm nhà ở tại khu Cổng Gạch là đất nông nghiệp, đồng thời không cá nhân nào có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng. Với lý do anh Vụ là người bắt đầu quản lý sử dụng từ năm 2007, nên HĐXX tạm giao diện tích 160,7m2 đất nói trên cho anh Vụ quản lý. “Khi nào chị Hạnh có đủ căn cứ chứng minh toàn bộ diện tích đất trên là tài sản chung của vợ chồng thì chị Hạnh có quyền khởi kiện bằng vụ án khác về việc chia tài sản chung sau ky hôn”...

Với mảnh đất nông nghiệp thứ hai, HĐXX nhận định là tài sản chung của vợ chồng anh Vụ chị Hạnh. Tuy nhiên, với lý do “thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa nên không chia nhỏ, cần giữ nguyên”. Mặt khác, vì chị Hạnh có nhu cầu được “chia bằng hiện vật để có đất canh tác” nhưng chính chị cũng thừa nhận “ruộng bị trũng, không canh tác trồng lúa được”, nên HĐXX quyết định giao cho anh Vụ tiếp tục quản lý sử dụng, anh Vụ có nghĩa vụ thanh toán phần giá trị tài sản cho chị Hạnh.

Vậy là sau bản án của TAND huyện Chương Mỹ, mẹ con chị Hạnh chính thức mất chỗ ở. Toàn bộ tài sản được định giá, HĐXX yêu cầu anh Vụ thanh toán cho chị chỉ hơn 50 triệu đồng.

Chị Hạnh cho biết, từ khi bị chồng đuổi đánh khỏi nhà, mẹ con chị lang thang, lúc ở nhờ, sau đó chị phải thuê một ngôi nhà của người cùng làng để làm chỗ ở tạm thời nuôi con. Tòa án giao cho chị nuôi 2 con nhỏ, con lớn ở với anh Vụ. Tuy nhiên, thực tế cháu vẫn về ở với chị và chị nuôi dưỡng chăm sóc.

Hằng ngày chị phải đi làm thuê ở Hà Đông với khoản thu nhập khoảng 4-5 triệu mỗi tháng để lo cho 3 con. Hơn 10 năm chung sống, cùng với anh Vụ chị đã tạo dựng được nhiều tài sản: 2 mảnh đất, nhà ở, ô tô, nhưng sau khi ly hôn, chị gần như trắng tay...

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty Luật Fanaci, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Nguyễn Thị Hạnh tại phiên tòa:

Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định: Về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi lý hôn trong đó có khoản 2, điểm d, ghi rõ: Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng cũng là một trong những yếu tố được tính toán đến khi chia tài sản chung.

Tuy nhiên, trong phiên tòa này, HĐXX không hề đề cập đến việc anh Vụ gây bạo lực gia đình trong thời gian dài, cụ thể đánh đập đuổi mẹ con chị Hạnh ra khỏi nhà và “rải truyền đơn xúc phạm nhân phẩm danh dự của chị Hạnh.

Bên cạnh đó, cũng theo Điều 59 còn có nguyên tắc “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” quy định tại khoản 5. Tuy nhiên, phiên tòa đã không tuân thủ nguyên tắc này dẫn đến tình trạng, sau quyết định của HĐXX, mẹ con chị Hạnh không có chỗ ở, thiệt thòi lớn về tài sản. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm