pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 quyết định tài chính "cực kỳ nguy hiểm" bạn không nên làm khi kinh tế đang trì trệ
Khi nền kinh tế chung đang gặp khó khăn, chắc chắn công việc của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng, từ đó có thể tác động tiêu cực đến tài chính cá nhân của bạn. Lúc này bạn cần phải đặc biệt thận trọng khi đưa ra các quyết định về tiền bạc. Tốt hơn hết là hãy xem xét kỹ lưỡng chi tiêu và không đặt bản thân vào những rủi ro quá mức có thể khiến bạn lâm vào khủng hoảng.
Cho dù hiện tại bạn vẫn đang giữ được công việc với mức lương ổn định, tuy nhiên khi kinh tế khó khăn chung thì 4 quyết định tài chính sau đây vẫn cực kỳ nguy hiểm, bạn đừng bao giờ thực hiện.
1. Mua nhà vì thấy lãi suất vay thế chấp thấp
Khi kinh tế khó khăn, các ngân hàng thường có xu hướng giảm lãi suất vay thế chấp mua nhà để thu hút khách hàng.
Nhiều người nghĩ rằng lãi suất thấp trong hiện tại là điều kiện thuận lợi để họ có thể sở hữu một căn nhà của riêng mình. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng khi nền kinh tế phục hồi trở lại, rất có thể lãi suất sẽ được điều chỉnh, thay đổi theo chiều hướng tăng lên.
Trong trường hợp bình thường vẫn có thu nhập, khoản lãi suất tăng thêm ấy bạn vẫn có thể cáng đáng được. Tuy nhiên chúng ta hãy xem xét đến tình huống xấu. Chẳng may công việc của bạn gặp trục trặc và lãi suất khoản vay mua nhà lại tăng thêm, đó sẽ là gánh nặng rất lớn mà bạn có thể không chi trả nổi.
2. Có thêm nợ
Việc gánh thêm một món nợ mới chẳng hạn như khoản vay mua xe ô tô, mua sắm đồ dùng, thiết bị đắt tiền trả góp… là một quyết định tài chính cực kỳ nguy hiểm trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn chung.
Có thể món nợ ấy không phải là vấn đề khi mọi thứ đang thuận lợi. Bạn hoàn toàn đủ khả năng trả các khoản thanh toán hàng tháng, đồng thời vẫn tiết kiệm được tiền. Tuy nhiên khi nền kinh tế chuyển biến theo chiều hướng xấu đi thì rủi ro cũng tăng lên đối với mỗi cá nhân, bao gồm cả nguy cơ bạn nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự.
Chẳng may điều đó xảy ra, bạn sẽ phải tìm kiếm công việc khác, có thể được trả mức thù lao ít hơn. Khó khăn đó cộng với việc đang gánh trên vai nợ nần, áp lực tài chính sẽ đè nặng lên vai bạn.
Do đó bạn hãy chỉ sắm đồ khi có tiền mặt hoặc chờ đợi đến khi đủ kinh phí để mua chúng.
3. Không trân trọng, giữ gìn khoản thu nhập từ tiền lương hiện tại
Khi kinh tế chung trì trệ, bạn cần hiểu rằng ngay cả các tập đoàn lớn cũng phải chịu áp lực tài chính. Rất có thể họ sẽ tìm mọi cách giảm chi phí, trong đó bao gồm cả việc cắt giảm nhân viên.
Vị trí công việc của bạn sẽ trở nên “mong manh” dễ bị thay đổi. Nếu không biết trân trọng và cố gắng giữ gìn nguồn tiền lương hiện tại, người bị cho thôi việc hoàn toàn có thể chính là bạn.
Đi làm sớm, về muộn và nỗ lực hoàn thành công việc được giao không phải là tấm vé an toàn cho bạn giữ được vị trí của mình trong mọi trường hợp. Tuy nhiên thái độ làm việc sẽ là điều kiện vô cùng quan trọng giúp tăng cơ hội giúp bạn ở lại.
Mất việc đồng nghĩa với không còn thu nhập, bạn cũng khó khăn để tìm kiếm công việc mới khi kinh tế kém khởi sắc. Cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
4. Đầu tư mạo hiểm
Đầu tư mạo hiểm trong tình hình kinh tế khó khăn là một quyết định tài chính sai lầm. Đầu tư mạo hiểm có thể mang lại cho bạn khoản lợi nhuận lớn nhưng cũng có thể làm chúng ta mất sạch chẳng còn lại gì.
Khi mà nhiều người bị thất nghiệp và bạn cũng có thể gặp nguy cơ không giữ được công việc, nếu may mắn có một số tiền tiết kiệm thì bạn nên tìm cách bảo toàn nó đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra.