pnvnonline@phunuvietnam.vn
"4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" phòng chống thiên tai, bão lũ
Hội viên, phụ nữ tỉnh Phú Thọ trồng cây bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai
Các cấp Hội phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền
Bám sát chủ đề của Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2024 "Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai", các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã tích cực tuyên truyền phòng, chống thiên tai.
Đại diện Hội LHPN tỉnh Phú Thọ cho biết, toàn tỉnh có gần 56 nghìn lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền về các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ nước sạch, vệ sinh môi trường, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ trái đất. Tổ chức vệ sinh gần 800km đường làng, ngõ xóm. Phát quang bụi rậm, thu gom trên 125 tấn rác thải, nạo vét, khơi thông 225km cống rãnh. Vệ sinh trên 20 nghìn giếng nước, công trình đầu nguồn, các khu xử lý của các công trình cấp nước tập trung, các hồ, đập, hố nước gây ô nhiễm.
Phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; Hậu cần tại chỗ) và "3 sẵn sàng" (Chủ động phòng tránh; Bố trí kịp thời; Khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Đồng thời, Hội cũng tuyên truyền kỹ năng ứng phó với thiên tai tới toàn bộ hội viên phụ nữ, trong đó nhấn mạnh các kỹ năng dành cho cha mẹ liên quan đến đối phó trước bão, lũ, lụt,…
Còn tại thành phố Đà Nẵng, Hội LHPN quận Liên Chiểu đã linh hoạt hướng dẫn hội viên, phụ nữ tìm hiểu kỹ năng phòng, chống thiên tai bằng cách tải ứng dụng "Phòng chống thiên tai Việt Nam" để tự trang bị cho mình kiến thức khi có bão, lũ, lốc, sét xảy ra.
"Nhìn chung, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Hội LHPN các cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng như phường Liên Chiểu đã nỗ lực tuyên truyền đến người dân chủ động thực hiện với phương châm "4 tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; và "3 sẵn sàng": Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả", đại diện Hội LHPN quận Liên Chiểu chia sẻ.
Hành động sớm là phương pháp tiếp cận mới trong quản lý rủi ro thiên tai được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới triển khai nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và chú trọng tới những đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em.
Một số kỹ năng cơ bản cho gia đình khi gặp mữa bão
Liên quan đến kỹ năng cơ bản dành cho các gia đình có con nhỏ khi gặp bão, lũ, thiên tai, các chuyên gia cho biết, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ hãy giúp con mình bình tĩnh trước những cơn bão. Cố gắng hạn chế mức độ trẻ em nhìn và nghe về cơn bão, tránh dùng những từ đáng sợ như "bão" và "lũ lụt" với trẻ nhỏ, thay vào đó, hãy sử dụng những từ phù hợp với sự phát triển hơn như "gió mạnh" và "quá nhiều nước". Chuẩn bị sẵn đèn pin phòng trường hợp mất điện để trẻ có thể đọc sách, chơi trò chơi, xếp hình hoặc làm đồ thủ công.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần nắm một số kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó trước cơn bão. Sét là một trong những đặc điểm thất thường và khó lường nhất của giông bão, do đó tránh sét trước bão rất quan trọng. Ví dụ, trốn dưới gốc cây khi có bão là không an toàn, thậm chí làm tăng nguy cơ bị sét đánh vì cây dễ bị sét đánh hơn. Nên tránh xa cửa ra vào và cửa sổ bên ngoài và không tiếp xúc với bất kỳ thiết bị điện nào.
Tìm nơi trú ẩn để đảm bảo an toàn trong cơn bão. Nếu không có tòa nhà nào thì một phương tiện như ô tô, xe tải hoặc xe buýt trường học sẽ là một lựa chọn thay thế hợp lý. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại tòa nhà hoặc phương tiện đều an toàn khi có giông bão. Tránh đi bộ đường dài ở những khu vực thoáng đãng như đỉnh núi, rặng núi hoặc cánh đồng khi có giông bão. Nếu bị kẹt ở vùng đất trống và không thể tìm được nơi trú ẩn trong cơn bão, hãy cúi đầu xuống và dùng tay bịt tai lại.
Không nên sử dụng các thiết bị điện, đặc biệt là điện thoại có dây. Máy tính, tivi, đồ da dụng cũng có thể nguy hiểm trong cơn bão. Không nên rửa tay, rửa bát, tắm vòi sen, tắm bồn hoặc sử dụng bồn nước nóng trong khi có bão. Tránh chạm vào bề mặt bê tông bởi sét có thể truyền qua các dây hoặc thanh kim loại trên tường và sàn bê tông, chẳng hạn như tầng hầm hoặc gara.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 7/5/2024, trên cả nước đã xuất hiện 72 trận mưa đá, trong đó Nghệ An là tỉnh có số lần xảy ra mưa đá nhiều nhất trên cả nước với 11/72 trận mưa đá; mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.
Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai năm 2024, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers, nhấn mạnh, hành động sớm, nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai là vô cùng cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
"Cách tiếp cận phòng, chống thiên tai phù hợp với trẻ em sẽ có hiệu quả đối với tất cả mọi người. Điều này đồng nghĩa là chúng ta cần phải ưu tiên việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm hướng tới trẻ em và các nhóm có nguy cơ khác. Qua đó bảo đảm các cộng đồng đang thích ứng ngay hôm nay và có các biện pháp can thiệp ứng phó kịp thời để đảm bảo giải quyết các điểm yếu và nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em", bà Rana Flowers nhấn mạnh.