4 tháng đầu năm 2018, hơn 31.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

24/04/2018 - 18:07
Tính từ đầu năm 2018 đến ngày 24/4, qua công tác thanh tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm trên cả nước, các cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra gần 159.000 cơ sở, trong đó phát hiện trên 31.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm trên 19%.
Thông tin trên được TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết chiều ngày 24/4. Theo ông Phong, 31.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trên đã bị phạt phạt 20 tỷ đồng, trong tổng số cơ sở vi phạm có 72 cơ sở bị đình chỉ và 228 loại thực phẩm bị dừng lưu hành.
Cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu 1.482 cơ sở vi phạm tiêu hủy 1.590 sản phẩm không an toàn. Các sản phẩm này tập trung chủ yếu là thực phẩm bao gói sẵn và sữa nhập khẩu, thực phẩm chức năng.
2510-nghe-an.JPG
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh. Ảnh minh họa
Riêng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), đã kiểm tra và xử phạt 15 cơ sở; dừng lưu thông 8 lô sản phẩm; tiêu hủy 2 lô sản phẩm; chuyển 6 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Trong 6 vụ việc này, có 4 vụ việc phát hiện vi phạm qua công tác hậu kiểm lấy mẫu đi kiểm tra và phát hiện chất lượng sản phẩm không đạt như công bố, 2 vụ nghi giả tài liệu liên quan đến sản phẩm. Trong số những sản phẩm vi phạm phải chuyển cơ quan công an, có cả sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, Cục ATTP cũng giám sát việc thu hồi và giám sát tiêu hủy 22 nhãn sản phẩm, với gần 102 tấn, của 4 cơ sở nhập khẩu sữa nghĩ nhiễm vi khuẩn theo cảnh báo của Pháp.
Cũng trong chiều 24/4, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã thông báo triển khai kế hoạch 315 về Công tác hậu kiểm ATTP năm 2018.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong, từ nay đến cuối năm, sẽ tập trung vào công tác hậu kiểm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP của Chính phủ. Nghị định này tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, cho phép đa số doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm và triển khai sản xuất và phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, tự công bố, không có nghĩa là muốn công bố thế nào cũng được mà phải theo ngưỡng an toàn theo quy định.
ts-phong.JPG
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
 
Trong Nghị định 15, từng nhóm ngành hàng, đã phân công cụ thể cho các bộ liên quan quản lý, ví như Bộ Y tế 6 nhóm ngành hàng thì tập trung vào các ngành hàng đó. Công tác hậu kiểm cũng sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm tự công bố, nhóm sản phẩm nhập khẩu thuộc đối tượng miễn kiểm tra nhà nước (miễn kiểm tra đầu vào).
“Nghị định trên giúp thông thoáng đầu vào cho doanh nghiệp nhưng cơ quan chức năng sẽ quản lý chặt đầu ra. Doanh nghiệp sau khi tự công bố sản phẩm và sản xuất nhưng khi kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm, mà không đạt thì sản phẩm đó sẽ bị dừng lưu thông, toàn bộ sản phẩm bị thu hồi, tiêu hủy; chủ sản xuất còn bị xử phạt và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng”, TS Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Cục trưởng Cục ATTP cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Cục đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trưởng xây dựng dữ liệu quốc gia về ATTP, cố gắng hoàn thành trong tháng 6 năm nay. Dữ liệu này chứa tất cả thông tin về cơ sở sản xuất thực phẩm trong nước, tất cả sản phẩm đã công bố, cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận trên địa bàn, để người dân biết, theo dõi và lựa chọn sản phẩm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm