45 năm Giải phóng miền Nam: 3 chứng tích trên đường Trường Sơn huyền thoại

An Là
30/04/2020 - 06:08
45 năm Giải phóng miền Nam: 3 chứng tích trên đường Trường Sơn huyền thoại
45 năm chiến tranh đã đi xa nhưng những câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các nữ thanh niên xung phong, nữ chiến sĩ như lời nhắc nhớ đối với thế hệ sau về truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc.

Ai về thăm dòng sông La

Ai qua ngã ba Đồng Lộc

Nghe chuyện mười O con gái

Cuộc đời đã hóa bài ca…

"Như 10 đóa hóa thơm"

(nhạc Quỳnh Hợp - thơ Mai Hữu Phước)

 Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc 

Ngã ba Đồng Lộc, cái tên ấy đã trở thành thân quen đối với nhiều người dù chưa một lần đến nơi này. Đây là địa danh gắn liền với sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc.  Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn. Đâ là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba này. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này được mệnh danh là "tọa độ chết".

45 năm Giải phóng miền Nam: 3 chứng tích trên đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 2.

Những cựu nữ thanh niên xung phong thường mang theo đóa hoa mua để đặt lên phần mộ 10 nữ anh hùng khi tới Ngã ba Đồng Lộc.

Trong lời kể của anh hướng dẫn viên vận trang phục màu xanh áo lính đã tái hiện lại những khoảnh khắc đáng nhớ thời chiến tranh ngày nào. Đó là trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 TNXP thuộc Đại đội 2, Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường thông xe sau đợt thả bom của máy bay địch. Tới khoảng 17h ngày 24/7/1968,  trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi 10 các cô trú ẩn. Tiếng bom ngớt đi, 5 phút rồi 10 phút trôi qua không thấy các cô gái lao ra san lấp hố bom như mọi lần, các tiểu đội TNXP đi sau chồm lên gào thét, nhân dân xóm Bãi Dĩa quanh đấy cũng lao ra gọi tên từng người. Khi đến nơi chỉ thấy một hố bom sâu hóm, một vài chiếc xẻng, cuốc văng ra nhưng không còn thấy một ai, không nghe thấy một tiếng người. Cả mười cô gái trẻ ấy đã hy sinh  anh dũng cho Tổ quốc, cho màu xanh nơi Ngã ba Đồng Lộc hôm nay. Câu chuyện về 10 nữ TNXP - một khúc ca bi tráng hết sức khâm phục và cảm động. Sau này, 10 cô gái Đồng Lộc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng và Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là di tích lịch sử.

45 năm Giải phóng miền Nam: 3 chứng tích trên đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 3.

Truông Bồn - một huyền thoại bất tử

Trên chuyến hành trình về nguồn tại các điểm đi tích thuộc các tỉnh miền Trung, chúng tôi có dừng chân tới di tích lịch sử Truông Bồn là một địa danh thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A trong kháng chiến chống Mỹ. Tuyến đường chiến lược này có chiều dài gần 200km, tiếp nối từ quốc lộ 1A - giáp với tỉnh Thanh Hóa. Trong chiến tranh chống Mỹ, đây là một "điểm nóng" của tuyến lửa, tương tự như Ngã Ba Đồng Lộc bên Hà Tĩnh. Vì thế, máy bay Mỹ đánh phá ngày đêm. Từ năm 1964 đến 1968, chúng đã trút xuống mảnh đất này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa; tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân địa phương; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta. Hàng ngàn người đã hi sinh tại đây.

Vào tháng 7/1968, một tiểu đội 14 chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP), gồm 12 nữ và 2 nam, làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu bom nổ chậm, phối hợp với công binh phá bom, bảo đảm cho chặng đường giao thông qua Truông Bồn luôn thông suốt. Đến tháng 10/1968, Ban chỉ huy Tổng đội đã cho phép xét chọn 8 chiến sỹ đã phục vụ hết thời gian 3 năm và có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được xuất ngũ. Trong 8 người được chọn thì có 1 người ở nhà chỉ còn mỗi mẹ già đau yếu không có người chăm sóc, 1 người có anh trai là liệt sĩ vừa hi sinh trên chiến trường miền Nam, một đôi nam nữ yêu nhau đã 3 năm chỉ chờ xuất ngũ là tổ chức lễ cưới và 4 người được nhận giấy báo nhập học tại các trường trung học chuyên nghiệp. Tất cả 8 người đã chia tay đồng đội, chờ sáng mai trở về nhà.

45 năm Giải phóng miền Nam: 3 chứng tích trên đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 4.

Tiểu đội trưởng Tiểu đội 317 Trần Thị Thông - người sống sót duy nhất của Tiểu đội này trong trận bom ngày 31/10/1968 - về dâng hoa, dâng hương tưởng niệm và tri ân các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn

Thế nhưng, đêm 30/10/1968, đơn vị của họ nhận lệnh phải cấp tốc thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng. Cả 8 TNXP chuẩn bị xuất ngũ ấy đã xung phong cùng các đồng đội ra hiện trường. 4 giờ sáng ngày 31/10/1968, toàn đơn vị khẩn trương san lấp hố bom, đến 6 giờ 10 phút, khi công việc sắp hoàn thành thì máy bay Mỹ đến oanh tạc. Trong 14 chiến sĩ thì 13 TNXP - 11 cô gái và 2 chàng trai - hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, người trẻ nhất là 17 tuổi và người nhiều tuổi nhất mới có 22 tuổi. Họ mãi mãi dừng lại ở lứa tuổi này cùng với những ngày chiến đấu hào hùng và oanh liệt. Sự hy sinh  của các chị, các anh đã làm nên huyền thoại Truông Bồn.

Hang Lèn Hà - nơi ghi dấu chiến công của các chiến sĩ nữ thông tin liên lạc

Với công việc thiết nối trạm thông tin liên lạc, tường rằng đó chỉ là công việc dành cho các anh nam giới thì trong thời chiến, công việc này được các nữ chiến sĩ thông Trạm cơ vụ A69, Lữ đoàn 134 Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) đảm nhận trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt tại hang Lèn Hà xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). 

Trạm cơ vụ A69 được thành lập vào ngày 7/1/1967, thuộc Đại đội 7 Trung đoàn 134, Binh chủng TTLL, là một trạm thông tin quan trọng trên tuyến dây trần trục giao thông Bắc – Nam, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin từ Hà Nội đến Đường 9 – Nam Lào, là nơi dự trữ vũ khí trang bị, lương thực thực phẩm, quân trang quân dụng phục vụ cho chiến trường miền Nam,... và thường xuyên là trọng điểm bị địch tập trung đánh phá ác liệt. Lúc 13 giờ ngày 2/7/1972, trong khi các cán bộ, chiến sĩ của Trạm A69 đang làm nhiệm vụ, 2 máy bay B57 của Mỹ ập tới ném bom khu vực hang Lèn Hà. Chỉ trong vòng 5 phút, trạm máy trên hang đá bị hư hỏng nặng nề, 1.500m đường dây bị đứt nát không làm việc được; 13 chiến sĩ anh dũng hy sinh trong đó có 10 nữ chiến sĩ. Các chiến sĩ hi sinh hầu hết tuổi đời chưa tới 20 trong đó có 2 nữ chiến sĩ hi sinh ở 16 tuổi. Đó là chiến sĩ Chu Thị Mạnh, 15 tuổi tình nguyện vào bộ đội, ngã xuống khi vừa tròn 16; Nguyễn Thị Lan Anh, 16 tuổi và hành trang đến với chiến trường là con búp bê cùng chiếc khăn quàng đỏ. Chiến sĩ Vũ Thị Lan, 22 tuổi vĩnh viễn ra đi chỉ một ngày trước khi về quê làm đám cưới. Chiến sĩ Trần Văn Xây chưa hưởng trọn niềm vui gia đình khi vừa nhận được tin làm bố...  

45 năm Giải phóng miền Nam: 3 chứng tích trên đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên viết lưu niệm kih tới thăm khu Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Lèn Hà.

 Sự ra đi của các anh, các chị để giữ mạch máu thông tin thông suốt, góp phần cùng quân, dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ để Lèn Hà đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt mãi trường tồn cùng dân tộc. Trạm cơ vụ A69 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì; nhiều năm liền được Lữ đoàn 134 tặng danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng", "Trạm cơ vụ kiểu mẫu". Hang Lèn Hà được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

45 năm Giải phóng miền Nam: 3 chứng tích trên đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 6.

Đoàn thanh niên cơ quan TƯ Hội LHPNVN tại Hang Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm