5 bí quyết ăn, uống cho bà bầu ốm nghén

29/04/2016 - 10:24
Tình trạng nôn ói, thậm chí sợ ngửi thấy mùi thức ăn… không chỉ khiến các bà bầu mệt mỏi mà còn dễ dẫn đến nguy cơ thiếu dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Phòng khám Sản khoa-Nam khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội) cho biết: Nghén hay ốm nghén là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là sự gia tăng của hormone HCG. Khi mang thai, mức độ HCG trong cơ thể phụ nữ sẽ tăng lên gấp đôi, điều này dẫn đến chứng bồn nôn, thậm chí nôn ói trầm trọng.
Ngoài ra, một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, có một mối liên hệ giữa khứu giác với hormone estrogen tình dục ở nữ giới. Mức độ estrogen tăng lên trong 3 tháng đầu mang thai, khiến khứu giác dễ nhạy cảm với mùi và hay nôn ói khi ngửi mùi lạ.
Tuy nhiên, tùy từng thể trạng, mức độ ốm nghén của các bà bầu có sự khác nhau. Với một số chị em, biểu hiện nghén chỉ là cảm giác mệt mỏi, nhạy cảm hơn với mùi, cảm giác buồn ngủ… Nhưng cũng có không ít trường hợp, các triệu chứng nghén khiến cho bà bầu trở nên khó ở, thường xuyên đau đầu chóng mặt, buồn nôn và nôn… Thậm chí, có người nôn quá nặng đến mức không thể ăn uống gì. Họ có thể nhạy cảm mùi quá mức, cảm giác sợ hoặc buồn nôn khi nhìn thấy thức ăn hoặc bất cứ mùi gì lạ như: Nước hoa, khói thuốc lá, xăng dầu…
nuoc_chanh.jpg
Uống nước chanh giúp bà bầu giảm nôn ói
Để hạn chế chứng nôn ói, buồn nôn, đồng thời vẫn nạp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, các thai phụ có thể áp dụng một số ‘mẹo’ sau:
- Uống nước chanh tươi, ăn và uống hợp lý những thực phẩm chứa gừng để giảm triệu chứng nôn ói.
- Ăn ít thực phẩm và chia thành nhiều bữa trong ngày. Có thể ăn những thực phẩm khô: Bánh mì, bánh quy, đồng thời tăng khẩu phần rau xanh, quả chín, sữa và các chế phẩm của sữa.
- Tránh ăn uống các loại thực phẩm kích thích dạ dày như: Chất béo, đồ chiên, thức ăn có nhiều gia vị… để tránh gây nôn.
- Sau mỗi bữa ăn nên đợi 30-45 phút sau, mới sử dụng các thức uống khác.
- Chú ý uống đủ nước, có thể uốgn thêm các loại vitamine bổ sung và nhất là acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, các bà bầu cần nghỉ ngơi hợp lý, tạo sự thoải mái về tinh thần. Nếu bị nôn quá nhiều khiến cơ thể gầy sút, mất nước và rối loạn điện giải… thì phải đến bệnh viện để được điều trị.
Thông thường, ốm nghén chỉ xảy ra trong 12 tuần đầu mang thai nhưng cũng có phụ nữ phải chịu đựng triệu chứng nghén trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, việc can thiệp bằng thuốc để giảm triệu chứng nghén chỉ được chỉ định khi thai phụ nôn ói trầm trọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm