5 bước chuẩn bị đón bé yêu chào đời

09/09/2015 - 15:20
Chuẩn bị cho sự “xuất hiện” của thành viên nhí trong gia đình nhỏ là thực sự cần thiết với những cặp đôi mới cưới.

Nói chuyện trước khi mang thai

Những người vợ thông minh sẽ thảo luận kỹ với chồng trước khi mang thai. Nhiều vấn đề lớn mà hai bạn sẽ phải đối mặt: Chia sẻ việc chăm sóc con, tiếp tục hay tạm dừng công việc đang làm, thuê người giúp việc và chi phí phát sinh… Dẫu vậy không có nghĩa là bạn sẽ cứng nhắc với những suy nghĩ đó. Nói chuyện trước để vợ chồng hiểu được những ưu tiên mình lựa chọn, những kỳ vọng và cả sự sợ hãi trong suốt quá trình mang thai cho đến khi sinh nở, chăm con và nuôi dạy con.

Cần chuẩn bị thật tốt để có một thai kỳ khỏe mạnh (Ảnh minh họa) 

Thay đổi thói quen

Đầu tiên là ngừng biện pháp tránh thai. Dù chưa có thai ngay, bạn cũng đừng quá sốt ruột. Hormone cơ thể bạn cần thời gian để điều chỉnh và sẵn sàng. Thay đổi thói quen hàng ngày của bạn theo hướng tích cực: Hạn chế cafein, rượu, từ bỏ tiệc tùng, tập thể dục và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.

Bạn nên biết rằng béo phì sẽ hạn chế khả năng thụ thai và quá gầy sẽ khiến bạn vất vả để vượt qua giai đoạn ốm nghén. Bé sẽ không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết từ mẹ. Mọi phụ nữ chuẩn bị mang thai đều cần bổ sung sắt và canxi trong vòng 3 tháng trước khi mang thai để có đủ dưỡng chất cho bé và tránh những dị tật thai nhi.

Liệu pháp tinh thần

Các bác sĩ khuyên rằng mức độ căng thẳng cao có thể khiến khả năng thụ thai của bạn bị giảm sút do gây ức chế với sự rụng trứng tự nhiên. Vì thế, hãy tìm cho mình một biện pháp giảm căng thẳng hữu hiệu trong mọi tình huống nhé!

2 bạn nên tận dụng khoảng thời gian son rỗi này để làm những việc mình thích. Những nhà hàng, quán ăn vỉa hè yêu thích sẽ trở nên «xa xỉ» khi bạn có bầu và nhất là lúc bé yêu ra đời. Xem phim rạp cũng không phải ngoại lệ. Hãy ghi lại khoảng thời gian hạnh phúc của 2 vợ chồng ở những nơi bạn đến, những người bạn gặp và những món bạn ăn. Đó là kỷ niệm đáng giá của riêng 2 bạn và sẽ là những điều thú vị mà bạn có thể kể cho các con sau này. Hơn thế, sự lãng mạn và gắn bó vợ chồng sẽ khiến cho những «cuộc yêu» càng nồng nhiệt và giúp bạn dễ dàng thụ thai hơn.

 Khám thai định kỳ là việc bất kỳ thai phụ nào cũng nên làm (Ảnh minh họa)

Gặp bác sĩ

Khi bạn đã mang bầu thì đến gặp bác sĩ định kỳ là việc đương nhiên. Nhưng khi chuẩn bị mang thai, bạn cũng cần gặp bác sĩ để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất. Nên khám sức khỏe tổng thể để biết rõ tình hình sức khỏe của bạn. Hãy gặp bác sĩ sản khoa để chắc chắn rằng bạn không bị nhiễm bất cứ bệnh truyền nhiễm nào và được tiêm phòng đầy đủ.

Cũng không nên quên gặp nha sĩ! Nghe thì chẳng liên quan nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa sức khỏe thai kỳ và tình trạng răng miệng. Hơn thế, các biện pháp khám chữa răng đều được khuyên cẩn trọng trong thai kỳ.

Chia sẻ với người thân

Bạn hãy nói chuyện và hỏi kinh nghiệm mang thai của những người phụ nữ trong gia đình như mẹ, dì, chị gái… Những tiền sử mang thai có thể di truyền trong gia đình. Biết và hiểu rõ được những điều đó để bạn cẩn trọng hơn và chia sẻ với bác sĩ sản để có biện pháp theo dõi, chăm sóc.

Khi tâm sự với người thân về quá trình mang thai, nuôi con nhỏ, bạn sẽ có những kinh nghiệm đáng giá cho giai đoạn sắp tới. Đôi lúc bạn có thể cảm thấy giai đoạn chuẩn bị có con thật phức tạp nhưng lại rất đáng nhớ bởi mang bầu và có con là điều tuyệt vời ngoài sức tưởng tưởng của bạn đó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm